PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, chuyên gia kịch bản phim truyền hình

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, chuyên gia kịch bản phim truyền hình

Để điện ảnh Việt có thể định vị trên bản đồ điện ảnh thế giới, cần có sự đầu tư chiến lược, có trọng điểm, đây là quan điểm của PGS.TS nghệ thuật học, họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú khi ông vừa đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam.

Bằng những nghiên cứu của mình PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đã đưa ra quan điểm điện ảnh
là một trong những phương thức đưa văn hóa đến nhanh hơn với thế giới. Ảnh: Thanh Giang

Trăn trở với điện ảnh Việt thời công nghệ 4.0

Theo PGS Đỗ Lệnh Hùng Tú, điện ảnh là một trong những phương thức đưa văn hóa đến nhanh hơn với thế giới. Cụ thể, nhiều bộ phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc... mới chỉ được trình chiếu phổ biến ở Việt Nam khoảng trên dưới ba thập niên, nhưng tác động của nó lên sự hiểu biết lịch sử, văn hóa của người Việt đối với hai quốc gia này khá lớn mà không có sách vở, tài liệu hay sự thuyết giảng sư phạm nào đạt được.

Minh chứng này cho thấy, thông qua phim ảnh, một đất nước có thể mở cửa, giới thiệu với cả thế giới về đất nước, thiên nhiên, phong cảnh cùng các tập tục, nét văn hóa, bản sắc riêng, đem đến cho khán giả những điều “trăm nghe không bằng một thấy”.


Bằng con đường cảm nhận nghệ thuật nghe - nhìn, các giá trị văn hóa đã được lan tỏa, thẩm thấu từ phim ảnh đến mọi đối tượng khán giả. Theo đó, mỗi bộ phim có chất lượng thường mang đến cho người xem xúc cảm, bài học đạo lý, những cách ứng xử tinh tế và các giá trị văn hóa một cách nhanh nhạy và có độ phổ biến rộng lớn.

Chính vì vậy, theo ông Hùng Tú, gắn trường quay điện ảnh và truyền hình với du lịch, văn hóa, sử dụng bối cảnh các bộ phim tiêu biểu được khán giả yêu thích từ trước đến nay luôn là động cơ và mục tiêu của nhiều quốc gia, nhiều nền điện ảnh và truyền hình. “Đây cũng là bài học cho các nhà làm phim Việt Nam. Đó không chỉ là cách đưa văn hóa đến gần người xem trong nước, mà còn là cách để đưa phim đi xa hơn, ghi dấu ấn riêng với khán giả thế giới”, ông Hùng Tú nhấn mạnh.

Trong xu thế hòa nhập, xã hội hóa các hoạt động điện ảnh đang diễn ra sôi động, đặc biệt là điện ảnh tư nhân đã góp phần quảng bá, giới thiệu phim Việt Nam với khán giả trong nước và thế giới. Cùng với đó, dòng phim độc lập, hay còn gọi là dòng phim tác giả cũng đã gặt hái nhiều dấu ấn tại các liên hoan phim quốc tế.

Gia tài tác phẩm

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm ngành y, nhưng Đỗ Lệnh Hùng Tú lại bộc lộ năng khiếu và theo đuổi con đường nghệ thuật.

Năm 1971, Đỗ Lệnh Hùng Tú chính thức thi đỗ và vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, năm 1976 ông về làm việc tại Phân xưởng thiết kế mỹ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam. 

Ngay từ những ngày đó, ông đã có các tác phẩm hội họa tham gia Triển lãm Mỹ thuật Hà Nội các năm 1977, 1978,1979. Từ năm 1979 đến năm 1985, Đỗ Lệnh Hùng Tú trúng tuyển theo học chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật Điện ảnh - Truyền hình tại Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô.

Tốt nghiệp về nước, ông trở thành giảng viên trường Điện ảnh Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh. Ông tiếp tục con đường học vấn khi tốt nghiệp cao học Mỹ thuật năm 2008 với đề tài "Vai trò người họa sĩ trong thiết kế hình ảnh phim truyện", rồi chương trình Nghiên cứu sinh. Ông Hùng Tú được cấp bằng Tiến sĩ Nghệ thuật học chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật năm 2015 cho đề tài “Phương thức biểu đạt nghệ thuật tạo hình trong tác phẩm điện ảnh”. Năm 2019, ông Hùng Tú được phong hàm Phó giáo sư.


Từ đây, ông Hùng Tú dấn thân với nhiều vai trò khác nhau trong môn nghệ thuật thứ 7. Cụ thể, ông tham gia làm họa sỹ thiết kế mỹ thuật phim truyện với vai trò họa sĩ chính cho các bộ phim như "Hải đường trắng", "Trái tim không ngủ yên", "Giận hờn", "Cô người mẫu của tôi", "Lời tạ từ trong mưa", "Nụ hôn đầu đời", "Rặng Trâm Bầu", "Kiều @"… Ngoài ra, ông còn là tác giả kịch bản, biên kịch và đạo diễn một số bộ phim tài liệu.

Đặc biệt trong vai trò tác giả, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đã gặt hái thành công lớn với 2 cuốn sách chuyên khảo "Tạo hình thiết kế mỹ thuật phim truyện" (Nxb Văn hóa thông tin) đoạt giải Cánh Diều Bạc năm 2009 và "Nghệ thuật tạo hình trong sáng tác Điện ảnh" (Nxb Mỹ thuật) đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2015.

Sau nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và với bề dày kinh nghiệm viết kịch bản phim, PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú đã hoàn thành cuốn sách Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình (Nxb Hội nhà văn - năm 2022). Cuốn sách được nhiều chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực viết kịch bản phim nhận định là cuốn cẩm nang có ích cho công tác đào tạo và cho cả những người được đào tạo hoặc độc giả tự đào tạo theo nghề viết kịch bản phim truyện truyền hình.

Là người đã nhiều năm gắn bó với sự thăng trầm của điện ảnh nước nhà, ông Hùng Tú trăn trở: “Để điện ảnh có thể phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành một trong những ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, cần phải có sự đầu tư toàn diện về cơ chế cũng như kinh tế đối với các dòng phim, nhằm đảm bảo dòng chảy phong phú của điện ảnh, góp phần định vị điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới"./.

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang, Tư liệu/Báo ảnh Việt Nam

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/pgsts-do-lenh-hung-tu-chuyen-gia-kich-ban-phim-truyen-hinh-335226.html


top