Ninh Thuận nâng cao giá trị kinh tế cho cây măng tây

Ninh Thuận nâng cao giá trị kinh tế cho cây măng tây

Kể từ khi trồng thí điểm 3.000m2 măng tây xanh tại xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận vào cuối năm 2009 thì đến nay, loại cây “chịu nắng chịu cát” này đã “phủ xanh” hơn 750ha và trở thành một trong loại cây nông nghiệp chủ lực của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân với sự hỗ trợ, tư vấn và định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh đã từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cách trồng măng tây theo hình thức canh tác truyền thống sang mô hình canh tác nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam), mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ Organic nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho măng tây. Nhiều cơ chế, chính sách đã được tỉnh ban hành, áp dụng như hỗ trợ HTX mua cây giống; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để triển khai mô hình cánh đồng lớn; lựa chọn nguồn cây giống chất lượng, nguồn đất xử lý sạch trước khi canh tác; ứng dụng hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ vào canh tác theo một quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo các tiêu chí trên thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.


Điển hình cho sự thành công của mô hình trồng măng tây đạt hiệu quả kinh tế cao ở Ninh Thuận phải kể đến Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước), khi luôn mở rộng quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm qua từng năm, với thành quả là sản phẩm măng tây xanh của HTX  đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh như hiện nay. Ông Hùng Ky - Giám đốc HTX Tuấn Tú cho biết, HTX thành lập từ giữa năm 2016 với 25 hộ thành viên tham gia canh tác trồng măng tây trên tổng diện 05ha. Đến nay, tập thể này đã phát triển lên hơn 36 ha với 85 hộ thành viên đồng bào Chăm tham gia sản xuất. Các nông hộ canh tác măng tây xanh bằng các biện pháp hữu cơ, từ bón phân đến phòng trừ nấm bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước.

 

Với kinh nghiệm hơn chục năm trồng măng tây, nhận thấy tính hiệu quả về kinh tế và sự thích ứng của loại cây này, ông Hùng Ky nhận định: măng tây xanh mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, với giá thu mua dao động từ 50.000 đến 65.000 đồng/kg tùy loại thì trung bình, mỗi ha măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã An Hải thay đổi đáng kể nhờ loại cây trồng này.



Cách HTX Tuấn Tú không xa chính là trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến rộng 20ha, một khoảng xanh nằm lọt giữa đồi cát trắng. Sản phẩm măng tây của Tiên Tiến đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ Organic với quy trình trồng khép kín từ khâu chọn giống cây trồng cho đến khâu chế biển thành phẩm với nhà máy sản xuất hiện đại đặt trong khuôn viên trang trại. Trang trại Tiên Tiến sử dụng 100% phân bón hữu cơ, không dùng bất cứ thuốc, phân hay chất hoá học vào sản xuất. Trang trại còn sử dụng nhiều loại máy móc hiện đại vào nhiều khâu trồng và chăm sóc măng tây, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp cho các hoạt động của trang trại như: Dây chuyền sơ chế, chế biến nông sản; canh tác; tưới tiêu; kho lạnh bảo quản nông sản. Sản phẩm măng tây tươi và các sản phẩm chế biến từ măng tây của Tiên Tiến luôn đạt chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ rộng lớn trong nước và xuất khẩu.


Việc tỉnh Ninh Thuận xác định măng tây là loại cây trồng chủ lực, tiến tới xây dựng vùng tập trung chuyên canh măng tây cùng với đó là một quy trình trồng trọt bài bản, khoa học, năng suất, chất lượng cũng như có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp sẽ thúc đẩy và nâng tầm giá trị của cây măng tây ở địa phương./.

 

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Công Đạt /Báo ảnh Việt Nam

 

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/ninh-thuan-nang-cao-gia-tri-kinh-te-cho-cay-mang-tay-367291.html


top