Người Tà Ôi trình diễn nghệ thuật dệt vải và đan giỏ

Người Tà Ôi trình diễn nghệ thuật dệt vải và đan giỏ

Vợ chồng người dân tộc Tà Ôi là A Viết Thị Tâm và Tân Quang Đôn đến từ Làng Taroi, xã A Ngo, Huyện A Lưới,
tỉnh Thừa Thiên Huế trình diễn nghệ thuật dệt vải và đan giỏ tại Không gian Văn hóa CRAFT LINK, Hà Nội.

Tại không gian Văn hóa CRAFT LINK, 51 Văn Miếu, Hà Nội, vợ chồng người dân tộc Tà Ôi là A Viết Thị Tâm và Tân Quang Đôn đến từ Làng Taroi, xã A Ngo, Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình diễn nghệ thuật dệt vải và đan giỏ. Đây là 2 nghề truyền thống của đồng bào Tà Ôi đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Buổi trình diễn nghệ thuật này đã thu hút đông du khách trong và ngoài nước tham gia khám phá và tìm hiểu.

Trong truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Tà Ôi, nghề Dệt vải (Dệt Dzèng) gắn liền với đời sống của người phụ nữ. Trẻ em gái ngay từ khi còn nhỏ đã được bà và mẹ dạy dệt vải. Mỗi tấm vải dệt là một sản phẩm không chỉ thể hiện tâm hồn sâu sắc của người phụ nữ mà còn thể hiện được bản sắc văn hóa của người Tà Ôi.

Trên từng tấm vải có nhiều hoa văn, họa tiết đặc trưng mà chỉ nhìn vào là nhận diện được đó là người dân tộc Tà Ôi như: họa tiết hình tam giác, hình trám, hoa sim và đặc biệt là các chi tiết đính cườm. Người phụ nữ trong làng thường mặc trang phục của dân tộc mình kèm theo đeo gùi trên lưng để đi làm nương, rẫy nên hình ảnh trang phục dệt và chiếc gùi trên lưng là một đặc trưng văn hóa của đồng bào Tà Ôi.


Đến với thủ đô Hà Nội lần này, Bà A Viết Thị Tâm (56 tuổi) và ông Tân Quang Đôn (70 tuổi) mang theo sự tâm huyết với nghề dệt và nghề đan giỏ để giới thiệu đến công chúng tại Hà Nội. Hai nghề này đã gắn bó với ông bà từ ngày còn nhỏ và đến nay hai vợ chồng A Viết Thị Tâm vẫn đang truyền nghề cho con cháu trong làng. A Viết Thị Tâm đã chuẩn bị mọi phụ kiện của nghề dệt vải gồm: Vải mẫu, khung vải, chỉ dệt, các hạt cườm…để giới thiệu cho du khách hiểu tổng quan về nghề dệt vải. Còn ông Tân Quang Đôn thì chuẩn bị các phụ kiện của nghề đan giỏ như: Mây, dao, lạt…Hai vợ chồng cùng trình diễn nghề dệt và nghề đan giỏ với tất cả sự đam mê của mình.


Bà A Viết Thị Tâm cho biết: "Thông thường trang phục của người Tà Ôi có các màu là xanh, đỏ, đen, vàng và tím cộng với sự chấm phá của những hạt cườm màu trắng. Trên mỗi bộ trang phục thổ cẩm đều có sự cân đối hài hòa về màu sắc và bố cục. Các loại màu nhuộm sợi được người dân khai thác từ những loại lá, vỏ, rễ cây từ núi rừng nên những gam màu cũng đa dạng các loại như: Xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng".

Với cách làm như vậy nên A Viết Thị Tâm cũng hướng dẫn cho du khách tham gia trải nghiệm cách làm từ tư thế ngồi đến cách chọn sợi rồi dàn sợi. Tùy từng loại trang phục mà người thợ dệt có cách dàn sợi và tạo hoa văn khác nhau. Hoa văn trên sản phẩm dệt của người Tà Ôi được chia theo các chủ đề như chủ đề động vật, thực vật thiên nhiên và đồ vật. Mỗi một chủ đề đều có những cách thể hiện riêng và trong qua trình làm người thợ có thể sáng tạo tùy thích mà không bị bó buộc trong khuân mẫu nào cả. 

Còn với nghề đan giỏ, ông Tân Quang Đôn cũng trình diễn quy trình để tạo ra một chiếc giỏ hay còn gọi là chiếc gùi mà đồng bào Tà Ôi thương dùng để đựng cơm, muối, đồ dùng lấy lửa... khi đi nương rẫy. Riêng đối với người Tà Ôi thì có loại gùi chủ yếu dành cho đàn ông sử dụng khi đi săn hay mang hàng hóa đi để trao đổi.


Gùi được đan rất công phu, có độ bền cao và cần nhiều thời gian để hoàn thành. Gùi có 2 phần chính: Phần quai đeo và túi đựng. Phần quai đeo được nối từ tâm điểm của 2 ngăn nhỏ sau đó gắn liền vào ngăn lớn ở giữa tạo nên một quai mang ở hai vai khi sử dụng. Nguyên liệu chính để tạo thành chiếc gùi là mây. Loại mây có thân nhỏ, rất thẳng, lại thưa mắt nhưng rất bền. Sợi mây dùng để đan và nấc trang trí phải được vót đều, mỏng thì khi đan và nấc các đường trang trí mới đẹp. Các hoa văn được bố cục rất hài hòa hợp lý lại có tính thẩm mỹ rất cao như hoa văn dây thừng đan chéo trên các quai đeo, hoa văn hình chữ V trên các góc của gùi.


Chồng đan giỏ, vợ dệt vải là một hình ảnh thân thiết của cuộc sống, văn hóa của người dân tộc Tà Ôi, điều này đã được A Viết Thị Tâm và Tân Quang Đôn tái hiện thật sinh động tại workshop. Chị Ada Nguyễn- quốc tịch Singapor cho biết: "Khi chị đến CRAFT LINK xem đôi vợ chồng người Tà Ôi trình diễn nghề đan giỏ và dệt vải chị thấy rất cảm xúc. Họ say mê lao động và truyền cảm hứng về gìn giữ những nét đẹp của nghề Việt, cùng làm ra những sản phẩm rất đẹp mà người nước ngoài rất yêu thích"./.


Bài: Bích Vân - Ảnh: Khánh Long, TL

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nguoi-ta-oi-trinh-dien-nghe-thuat-det-vai-va-dan-gio-319251.html


top