Hiroaki và câu chuyện phục hồi chức năng cho bệnh nhân ở Quảng Trị

Hiroaki và câu chuyện phục hồi chức năng cho bệnh nhân ở Quảng Trị

Là một kỹ thuật viên phục hồi chức năng, Kawamura Hiroaki tình nguyện đến làm việc tại Bệnh viện đa khoa Quảng Trị. Vượt qua những rào cản ngôn ngữ, cuộc sống, dịch bệnh, anh mong muốn giúp đỡ thật nhiều cho bệnh nhân và chia sẻ được nhiều kinh nghiệm cho các bác sĩ ở Việt Nam.

Tình nguyện viên Nhật Bản Kawamura Hiroaki đến từ Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản tình nguyện đến làm việc tại Bệnh viện đa khoa Quảng Trị.

Trong một phòng bệnh nhân nội trú Khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, tình nguyện viên Nhật Bản Kawamura Hiroaki giúp bệnh nhân Phạm Thị Nga lấy áo khoác chuẩn bị đi tập. Vừa làm vừa trò chuyện, Hiro quỳ hẳn một bên gối xuống thấp giúp bà Nga khoác áo, rồi lấy gậy chống cho bà. Anh làm mọi chuyện rất vui vẻ, thành thục, người ngoài nhìn vào có thể nghĩ họ là mẹ con. Nhưng Hiro – như cách tất cả nhân viên y tế và bệnh nhân ở đây thường gọi anh – là một tình nguyện viên đến từ Nhật Bản do JICA phái cử.

“Tôi rất thích công việc và những bệnh nhân ở đây. Khi gặp họ tôi cảm thấy rất vui, mọi người đều tươi cười khi gặp tôi và làm cho tôi cảm thấy hào hứng khi đến làm việc. Sự hỗ tợ của cấp trên và đồng nghiệp, của mọi người… khiến tôi cảm thấy muốn chia sẻ thật nhiều kinh nghiệm của mình”.
Tình nguyện viên Kawamura Hiroaki.

Hiro đỡ bà Nga ra phòng tập. Người phụ nữ 70 tuổi quê Thanh Hoá, hiện sống ở Quảng Trị này đã hai lần bị tai biến, lần thứ hai là tháng 5/2021. Trong năm nay bà đã có 3 đợt điều trị và tập phục hồi chức năng ở Bệnh viện Quảng Trị cùng với tình nguyện viên Hiro, 34 tuổi, đến từ Sapporo, Hokkaido, Nhật Bản.

Xoa bóp cánh tay, bàn tay cho bà Nga, rồi Hiro hướng dẫn bà cử động tay theo nhiều cách. “Cô phải thả lỏng” – anh nói bằng tiếng Việt dù không sõi. Những bệnh nhân sau tai biến, tai nạn đến đây tập phục hồi chức năng trở nên giống những đứa trẻ, họ tập nói trở lại, hay luyện những động tác, cử chỉ kỹ năng đơn giản nhất cho tay chân. “Cách Hiro luôn bấm huyệt, tập đi đứng cho mẹ tôi đã giúp bà tiến triển nhiều hơn. Gia đình tôi coi anh như người nhà” – con gái của bà phạm Thị Nga nói.


Luyện tập cho bệnh nhân Nga xong, Hiro lại hướng dẫn động tác đạp xe cho một người khác. Chân bệnh nhân tuột khỏi pedal và chị dường như bất lực với cái chân bị liệt, Hiro giúp chị nâng bàn chân lên đưa trở lại vị trí. Với bệnh nhân nào Hiro cũng quan tâm ân cần và hài hước. Hiro là một trong những tình nguyện viên đầu tiên của JICA  đến Việt Nam sau gần một năm Chương trình Tình nguyện viên bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Sau khi xét nghiệm, cách ly y tế, Hiro đến Bệnh viện Quảng Trị làm việc từ 18/3/2021. Tất cả bệnh nhân trong khoa đều nhanh chóng quen với sự có mặt của Hiro và rất thích được anh điều trị.

“Đây là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài sinh sống và làm việc,  nhưng sự thân thiện của mọi người ở đất nước này cũng như sự hỗ trợ trong công việc của các đồng nghiệp Việt Nam làm tôi thấy rất có động lực, tôi thực sự rất vui” – Hiro nói. Đã có 11 năm làm công việc phục hồi chức năng ở Nhật, khi đến Bệnh viện Quảng Trị, Hiro không chỉ khám và tập cho bệnh nhân ở Khoa Phục hồi Chức năng hoặc lên khoa Hồi sức tập tại chỗ cho bệnh nhân nặng, Hiro còn chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam rất nhiều kinh nghiệm từ Nhật Bản, như các kỹ thuật phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ cấp tính, tầm quan trọng của việc vận động sớm, cách vận hành của hệ thống bảo hiểm y tế Nhật Bản…


Bác sĩ Phan Xuân Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Quảng Trị, ghi nhận rằng Hiro đã đem những kiến thức từ nền y học tiên tiến của Nhật Bản, chia sẻ các quy trình chăm sóc, các kiến thức chuyên môn để bệnh nhân phục hồi sớm nhất có thể. Ông cho biết, đây là lần thứ hai Bệnh viện đón một tình nguyện viên của JICA. “Bệnh nhân rất thích khi có tình nguyện viên đến và mong được tình nguyện viên tập cho mình. Qua đó các bác sĩ, kỹ thuật viên Việt Nam cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm. ” – Bác sĩ Nam cho biết.

Chương trình phái cử tình nguyện viên JICA được bắt đầu ở Việt Nam năm 1995. Đến nay đã có hơn 700 tình nguyện viên Nhật Bản đến Việt Nam, bao gồm cả những tình nguyện viên trẻ và tình nguyện viên cao cấp. Họ làm việc ở hàng chục tỉnh thành, kể cả vùng sâu vùng xa, trên nhiều lĩnh vực: Dạy tiếng Nhật, y tế, thể thao, văn hoá giáo dục, du lịch, phát triển địa phương, nông lâm thuỷ sản, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, quản trị doanh nghiệp… đóng góp cho sự phát triển con người và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.


Sự quan tâm, kiên trì của Hiro đã khiến các bệnh nhân rất quý anh. Một người nhà bệnh nhân đã qua 3 đợt điều trị với Hiro, tiết lộ: Ngoài lịch tập của khoa, Hiro cũng giao lưu với bệnh nhân ngoài giờ, tự quan sát cách họ tập ở phòng phục hồi hay đến tận giường trao đổi chỉ thêm cho họ cách tập luyện. Có những bệnh nhân thần kinh không tốt, phản ứng ngoài ý muốn, nhưng Hiro vẫn kiên trì với họ.

Ngược lại, Hiro cũng thấy mình rất được khích lệ với tình cảm của mọi người dành cho anh. “Tôi rất thích công việc và những bệnh nhân ở đây. Mọi người đều tươi cười khi gặp tôi và làm cho tôi cảm thấy hào hứng khi đến làm việc. Tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên cho đến đồng nghiệp, từ mọi người trong và ngoài bệnh viện nên tôi muốn chia sẻ thật nhiều kinh nghiệm của mình cho công việc nơi đây”.


Hiro nhận ra rằng, khác với Nhật Bản, gia đình tham gia rất nhiều vào việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân, điều này rất quan trọng với cuộc sống của bệnh nhân khi xuất viện. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả cho thời gian điều trị dài hơn ở Việt Nam. Vì thế, Hiro đề xuất kỹ thuật viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn gia đình thay đổi cách tự tập luyện, cách chăm sóc khi bệnh nhân thay đổi, từ đó hệ thống y tế Việt Nam có thể có kết quả tốt hơn.

Không chỉ nhanh chóng hoà nhập vào công việc ở Việt Nam, Hiro cũng sớm yêu mến cuộc sống nơi đây. Trước khi sang Việt Nam, anh đã học tiếng Việt ở Nhật khoảng một tháng. Anh cũng ăn thử các món Việt Nam tại Nhật để chuẩn bị sẵn sàng cho mình. “Tiếng Việt khó, nhưng tôi vẫn cố gắng học và nói tiếng Việt với đồng nghiệp, với bệnh nhân” – anh cho biết. “Tôi không khó để thích ứng với cuộc sống ở Việt Nam, khi đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm rất thân thiện”. Cũng có những bất ngờ, như là số lượng xe máy nhiều đến choáng váng, hay là dịch Covid-19 khiến Hiro không thể tự do khám phá đất nước Việt Nam. Nhưng những điều đó không ngăn cản Hiro tìm thấy niềm vui mỗi ngày.


Hiro thậm chí không còn nhiều thời gian nhớ nhà. Có những bệnh nhân ra viện, họ vẫn liên lạc với anh, gửi lời hỏi thăm, cảm ơn anh, thông báo những tiến triển khi họ tự điều trị. Có người quay video, chụp ảnh lúc họ luyện tập tại nhà gửi Hiro, anh lại xem và hướng dẫn họ điều chỉnh động tác. Những gì Hiro đang làm không phải chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của một nhân viên y tế, đó còn là tình cảm chân thành, là sự kết nối từ trái tim đến trái tim./.

“Với chương trình tình nguyện viên, chúng tôi có được sự ủng hộ của mọi người với động lực muốn giúp đỡ và kết nối người khác. Mối quan hệ chặt chẽ giữa người dân hai bên sẽ làm cho quan hệ hai quốc gia trở nên mạnh mẽ hơn. Chương trình tình nguyện viên có kết quả rất tốt, nhất là ở cấp địa phương, cơ sở, họ giúp đỡ xây dựng cộng đồng ở đó và nhiều cộng đồng muốn đón các tình nguyện viên. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên mà Nhật Bản đưa tình nguyện viên trở lại sau dịch Covid-19. Qua 26 năm, chương trình tình nguyện viên ở Việt Nam rất thành công. Giờ đây có nhiều người Việt sang Nhật Bản làm việc. Các tình nguyện viên trở về từ Việt Nam lại tiếp tục giúp đỡ những người đó như ngôn ngữ hay hoà nhập cuộc sống”.
(Shimizu Akira – Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam)

 Thực hiện: Việt Cường / Báo ảnh Việt Nam

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/hiroaki-va-cau-chuyen-phuc-hoi-chuc-nang-cho-benh-nhan-o-quang-tri-324705.html


top