Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh - Một đời hát Bội
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ngọc Khanh lớn lên trong vòng tay của nghệ sĩ hát bội Ba Út. Niềm đam mê nghệ thuật hát bội ngấm dần từ thuở bà còn là một đứa trẻ, đến khi trở thành giảng viên Khoa Hát bội Trường Nghệ thuật Sân khấu II (năm 1975) và nếu không phải Ngọc Khanh, thì ai sẽ là người gầy dựng Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh - đã hoạt động từ năm 1990 cho đến bây giờ.
NSƯT Ngọc Khanh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khanh, sinh năm 1954 tại Sài Gòn. Mẹ cô là nghệ sĩ tài danh Ba Út, cùng thời với các nghệ sĩ tiền bối Minh Tơ, Phùng Há, Năm Đồ… nên từ thuở lên 9 lên 10 đã được làm quen với ánh đèn sân khấu. Tuy nhiên, NS Ba Út lại không thích cho cô theo nghề vì bà quan niệm rằng nghề này đến tuổi 40 là già rồi, không sống nổi với nghề nên bắt cô cố gắng học cho tốt rồi tìm một nghề gì đó để nuôi thân.
Năm 1971, khi NS Ngọc Khanh vừa tròn 17 tuổi niềm mơ ước theo nghề được Nghệ sĩ Ba Út”danh chánh ngôn thuận”chấp nhận, do Nghệ sĩ Đinh Bằng Phi thuyết phục với bà rằng cho Ngọc Khanh vào Trường Quốc Gia Âm Nhạc Kịch Nghệ để học nghề sau này có nghề đi dạy. Và nghề sư phạm cũng đến với cô từ đó, năm 1973 cô tốt nghiệp ra trường và về công tác giảng dạy ở Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2. Trong thời gian này cô còn cộng tác với các đoàn Hoa Xuân, Minh Tơ, Nghĩa Thành… Mặc dù rất ít khi được đứng trên sân khấu hát để chiều ý mẹ, nhưng cô vui vì vẫn được hoạt động ở lĩnh vực về sân khấu. Hàng ngày Nghệ sĩ Ngọc Khanh cũng được hát, được múa để dạy cho học trò của mình qua những bài giảng cho thỏa đam mê. Cho đến hôm nay cô rất hãnh diện và vui mừng khi những học trò của mình đều đã thành danh , và được công chúng biết đến như NSƯT Ngọc Nga, Hữu Danh…
Năm 1990 đến năm 1996 , Ông Lê Duy Hạnh và Ông Huỳnh Minh Nhị thành lập Hội sân khấu hát bội truyền thống và cô về đây công tác với chức danh là Phó chủ nhiệm, (Ông Huỳnh Minh Nhị là chủ nhiệm). Trong khoảng thời gian này Câu lạc bộ sân khấu truyền thống mang tên Ngọc Khanh đã bắt đầu hình thành và cô lại bắt đầu nghiệp làm bầu, “gánh” Câu lạc bộ của mình trên hành trình lưu diễn.
Lập đoàn năm 1991, được 2 tháng thì cô bán luôn căn nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM). “Trước đó thì vàng đeo đỏ tay, mà lập đoàn được 2 tháng thì bán hết đồ đạc trong nhà, bán cái bàn máy may rồi có cái đồng hồ gõ boong boong cũng bán luôn để lấy tiền phát cho anh em”, NSƯT Ngọc Khanh (67 tuổi, Trưởng Đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh) kể lại.
Có lẽ say mê tiếng trồng chầu từ nhỏ, nên hát bội với cô Khanh đã thành một cái nghiệp. Sau bức rèm nhung, cô Khanh theo dõi nghệ sĩ trong đoàn biểu diễn, kể chuyện đời hát bội với tôi, cô lại cười trừ: “Đắng cay phải chịu, nhọc nhằn phải mang”. Ăn cơm tổ thì theo nghề và với cô Khanh theo nghề thì thương luôn cái nghề lẫn nghệ sĩ.
Cũng bởi không muốn một người hát hai - ba vai, vì đã không làm thì thôi, làm phải đâu ra đó, nên Đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh có thể nói là đoàn hát bội tư nhân đông nhất nhì hiện nay ở Nam bộ, hơn 30 người. Lớp trẻ trong đoàn cũng là con, cháu nội, cháu ngoại hay cháu cố của mình, hoặc con cháu của các nghệ sĩ trong đoàn, NSƯT Ngọc Khanh cũng ngậm ngùi: “Muốn có người trẻ nối nghề lắm chứ, nhưng mà đâu có dám đèo bồng, vì nghề hát bội quá trắc trở. Bây giờ, chỉ dám truyền lại cho con cháu mình thôi, tại thấy tụi nó cũng mê như mình hồi xưa mê theo ba má làm đào hát bội, nên mới dám dạy lại, chứ không có ép tụi nhỏ”.
Ở cái tuổi cần sự nghỉ ngơi hơn là lo ngược lo xuôi, nhưng không chỉ cô Khanh mà nhiều nghệ sĩ trong đoàn không bao giờ có chuyện bỏ nghề. Dường như sân khấu và hát bội với họ là một điều gì đó rất thiêng liêng và có sức hút đến lạ.
Chuyện thịnh suy ở đời cũng là lẽ thường tình, hát bội không còn thịnh là điều biết trước, nhưng cô Ngọc Khanh vẫn tâm niệm: “Bây giờ, khán giả nghe có thích hay không thích thì tùy mỗi người, nhưng mình cứ hát để sau này còn có cái lưu truyền mà kể lại cho con cho cháu về tục hát chầu cúng đình, cúng miễu của ông bà”.
Mấy mươi năm theo nghề, như NSƯT Ngọc Khanh có thể nói là một đời hát bội. Cô thừa hiểu vinh hoa luống những đoạn trường của nghiệp làm đào, làm kép… Nhưng có lẽ, đã một lần ăn cơm tổ, thì kiếp tằm cứ mãi vương tơ./.
Thực hiện: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nghe-si-uu-tu-ngoc-khanh-mot-doi-hat-boi-313111.html