Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng với áo dài thêu tay
Dù bắt đầu theo nghề may từ năm 2001, mãi đến năm 2024 nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng mới bắt đầu tìm tòi và sáng tạo nên những sản phẩm áo dài thêu tay độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng: “Trước đây mình chỉ may quần áo thông thường, nhưng vì quá yêu tà áo dài, nên quyết định đào sâu, tìm hiểu kỹ hơn để có thể chia sẻ lại kiến thức cho học viên đến học thêu và hơn hết là làm ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.”.
Điểm đặc biệt trong các thiết kế áo dài của chị Hằng chính là sự giao thoa giữa hội họa và kỹ thuật thêu tay truyền thống. Với nền tảng nhiều năm làm nghề thêu, chị không đơn thuần chỉ thêu họa tiết lên vải, mà còn ứng dụng kỹ thuật hội họa từ cách tạo chiều sâu, phối ánh sáng để tạo nên những bức tranh thực sự trên nền vải. Không dừng lại ở kỹ thuật, chị còn chăm chút từ khâu chọn chất liệu. Đó là chất liệu tơ tằm, sợi lanh, sợi bông là những chất liệu thiên nhiên của Việt Nam luôn được ưu tiên, vừa thân thiện với cơ thể người mặc, vừa giữ được sự mềm mại cần thiết cho áo dài.
Mỗi chiếc áo dài của nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng không chỉ là trang phục, mà là một tác phẩm nghệ thuật độc bản bởi chị cũng không dùng màu nguyên bản mà tự tay nhuộm để tạo sắc độ riêng biệt, khiến mỗi thiết kế đều là duy nhất, không trùng lặp. Làm áo dài không đơn thuần là cắt may. Với chị Hằng, điều khó nhất là tạo được phom dáng tôn lên vẻ đẹp của người mặc, đồng thời khéo léo che đi khuyết điểm. Chị Hằng cho biết: “Mỗi người có một cơ địa khác nhau, mình phải tinh tế trong cách đo, cách bố trí họa tiết, thậm chí chọn chất vải thế nào để đường cong của người mặc được tôn lên tự nhiên nhất.”.
Một trong những kỹ thuật mà chị Hằng tâm đắc là việc sắp xếp họa tiết để vừa mang tính nghệ thuật, vừa có công năng che khuyết điểm. Điều này đòi hỏi sự quan sát kỹ càng và cả sự nhạy cảm về hình thể của người mặc. Đến nay đã thực hiện khá nhiều sản phẩm áo dài nhưng chị Hằng cho biết sản phẩm áo dài ngũ thân là kiểu áo truyền thống mà chị dành nhiều công sức nghiên cứu.
“Đây là loại áo mang giá trị văn hóa sâu sắc, đòi hỏi sự cân đối tuyệt đối về phom dáng và bố cục họa tiết. Làm sao để vẫn giữ được hồn cốt truyền thống nhưng đồng thời thể hiện được vẻ hiện đại.”, chị Hằng cho biết
Không chỉ là một nghệ nhân, chị Hằng còn là một người thầy dạy những nhà thiết kế về nghệ thuật thêu tay với số lượng học viên đã theo học online và tại xưởng lên đến gần 500 học viên. Chị Hằng chia sẻ: “Khi dạy thêu và vẽ trên vải cho các học viên, chính mình cũng học được từ các bạn rất nhiều, nhất là những bạn là nhà thiết kế chuyên về áo dài. Mỗi người đều mang đến một góc nhìn mới và kỹ thuật khác nhau.”.
Những họa tiết trên áo dài thêu tây của của chị Hằng không chỉ là hoa lá, cây cỏ, mà còn khắc họa lại những nét văn hóa, lịch sử của từng vùng miền như Hà Nội, cầu Trường Tiền ở Huế, nhũ thạch trong những hang động của Việt Nam, cảnh đẹp ở Ninh Bình, ruộng bậc thang Tây Bắc... Những hình ảnh ấy được nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng tái hiện bằng kim chỉ và màu vẽ một cách đầy trân trọng, để người mặc khi khoác lên mình chiếc áo, cũng cảm thấy tự hào về quê hương đất nước.
Với mức giá dao động từ vài triệu đến 10 triệu đồng tùy vào độ phức tạp và thời gian thực hiện từ vài ngày đến vài tháng mới xong sản phẩm, đối tượng khách hàng sử dụng sản phẩm áo dài thêu tay của nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng là những cán bộ công chức nhà nước, những người yêu tà áo dài truyền thống./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nghe-nhan-nguyen-thi-hang-voi-ao-dai-theu-tay-395698.html