Nghệ nhân Nguyễn Hùng và 2 kỷ lục Guinness thế giới cho gốm Việt

Nghệ nhân Nguyễn Hùng và 2 kỷ lục Guinness thế giới cho gốm Việt

Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã mất khoảng 2500 giờ (khoảng 1,5 năm) để hoàn thành tác phẩm vào năm 2018,
với 5 lần bị hỏng, đến lần thứ 6 mới thành công.

Câu chuyện bộ đĩa Phú Quý Mãn Đường và men “hoả biến”

Tác phẩm Phú Quý Mãn Đường có trọng lượng thô gần 600kg, thời gian nung là 45 giờ, thời gian sấy mất khoảng 48 giờ. Sau khi hoàn thiện, tác phẩm nặng 400kg có đường kính 1,37m. Đề tài của tác phẩm là một trong những lối trang trí được ưu chuộng trong các tác phẩm Á Đông, có đắp nổi và chạm khắc của cây Tuyết Tùng và đôi chim công, cùng các yếu tố phong thuỷ khác mang một ý nghĩa về sự giàu có, vĩnh cửu, quyền quý và hạnh phúc viên mãn đời đời. Tác phẩm có kích cỡ và khối lượng lớn cộng với những chi tiết phù điêu đắp nổi cầu kỳ, đây là một thách thức với nghệ nhân Nguyễn Hùng, đòi hỏi một sự tính toán kỹ lưỡng và cẩn trọng trước khi thực hiện.


Ví dụ như chi tiết đôi công và cây “Lão Tùng” hoàn toàn được đắp nổi bằng tay nên trong quá trình thực hiện tác phẩm, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã phải liên tục đắp nổi các chi tiết lên trên bề mặt đĩa đảm bảo độ định lượng chế tác liền mạch cho tác phẩm; hay như chi tiết đôi công với chất men thuỷ tinh đồng hoả biến, sau khi tác phẩm được hoàn thiện có hiệu ứng  “Hạt vàng” – một dạng men hoả biến đan sắc rất kỳ công khi chế tác. 

Đĩa được đắp nổi hoàn toàn thủ công, nên không thể dùng máy móc di chuyển vào lò nung. Khi nung xong, công đoạn đưa ra khỏi lò cũng phải hết sức cẩn trọng để đảm bảo phù hợp với nhiệt độ của môi trường. Bề mặt đĩa rất dày cho nên phải là người rất có kinh nghiệm mới có thể tính toán đúng thời điểm mang ra sấy sau khi nung. Các chi tiết hoả biến xuất hiện nổi bật nhất trong tác phẩm là toàn bộ Đôi Công, từ chi tiết mào công đến đỉnh đầu đôi công được “Hoả Biến” tạo hình như hai viên ngọc quý, bộ lông vô cùng sinh động như một đôi công thật đang hiện hình trước mắt. Tiếp đến là những chi tiết hoả biến được đan xen trong cây Tùng tạo sự thu hút cho tác phẩm. Màu men hoả biến độc bản là một trong những điểm độc đáo của tác phẩm. Có thể hiểu men hoả biển giống với quá trình hình thành kim cương, với một áp lực lớn vượt ngưỡng bình thường thì đất đá bình thường sẽ được chuyển hoá thành ngọc hay kim cương. Mỗi nơi lại tạo ra một loại có màu sắc và độ đặc biệt khác nhau nên các sản phẩm có men “Hoả Biến” đều là các sản phẩm độc bản được giới mê Gốm săn tìm. Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã mất khoảng 2500 giờ (khoảng 1,5 năm) để hoàn thành tác phẩm vào năm 2018, với 5 lần bị hỏng, khi thì bị nứt vỡ đôi, khi thì bị nổ, khi thì bị biến dạng và đến lần thứ 6 mới ra được tác phẩm thành công.

Câu chuyện Thiềm Thừ Thiên Phong Ấn và sự ra đời của men Hoàng Thổ Liên Hoa

Tác phẩm đạt kỷ lục guiness thứ hai của nghệ nhân Nguyễn Hùng là tác phẩm “Thiềm thừ thiên phong ấn” nặng 1.500kg, có chiều dài 1,735m, chiều rộng 1,1m và chiều cao 0,778m. Linh vật thần thoại được khắc trong tác phẩm là cóc Thiềm Thừ, hay còn gọi là cóc phong thủy, là một loài cóc ba chân linh thiêng ở châu Á và là biểu tượng của sự thịnh vượng. Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã mất hơn 6 tháng để chế tác tác phẩm này, với 4 lần hỏng, đến lần thứ 5 mới thành công. 

Nếu với “Phú quý mãn đường”, men hoả biến được giới mê gốm săn tìm, thì tác phẩm “Thiềm thừ thiên phong ấn” lại gắn với sự ra đời của một loại men khác độc đáo không kém, đó là men “Hoàng Thổ Liên Hoa”.


Men “Hoàng Thổ Liên Hoa” được nghiên cứu thành công vào những năm 2002. Là người yêu sen và say mê nghiên cứu về sen, sau nhiều lần tìm tòi và thử nghiệm, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã phát hiện ra cây sen phù hợp để thay thế nguyên liệu vỏ trấu - yếu tố Mộc trong “Men Tro” cổ truyền của ông cha. Nguyên liệu chủ đạo của men mới này là thân sen và phù sa trầm tích sông Hồng cùng những loại khoáng thạch tự nhiên khác. Vì vậy nghệ nhân Nguyễn Hùng đã quyết định lấy tên men mới là men “Hoàng Thổ Liên Hoa”.Trong đó Hoàng Thổ ý chỉ lớp phù sa trầm tích sông Hồng và “Liên Hoa” ý chỉ yếu tố sen trong nguyên liệu. “Thiềm thừ thiên phong ấn” có thể được coi là bản giao hưởng của men “Hoàng Thổ Liên Hoa” cùng vẻ đẹp thủ công độc bản. 

Men “Hoàng Thổ Liên Hoa” là loại men có nhiều sự khác biệt so với men tro truyền thống. Loại men này cho ra dải màu rộng hơn giúp người nghệ nhân có thể làm chủ màu sắc trên gốm như một người hoạ sỹ gốm sứ. Bản giao hưởng kỳ diệu của sen và tính chất của cốt gốm cải biến từ phù sa trầm tích sông Hồng đã tạo ra gam màu mới lạ và phù hợp với các sản phẩm mang hồn cốt dân tộc. Dòng men “Hoàng Thổ Liên Hoa” với màu sắc nổi bật, mới lạ đem lại vẻ đẹp quý phái và sang trọng,  dấu ấn độc bản trên từng sản phẩm.


Nghệ nhân Nguyễn Hùng là một người con đất cảng Hải Phòng. Vào những năm 1980, khi làm việc cho một công ty chuyên về gốm tại Hải Phòng, có cơ hội đi khảo sát, học hỏi về gốm ở khắp các làng nghề trên cả nước, nghệ nhân Nguyễn Hùng đã bén duyên và quyết định dừng chân ở làng gốm Bát Tràng. Là người ngoại đạo, nên nghệ nhân Nguyễn Hùng bắt đầu học nghề gốm bằng việc làm thợ cho các lò gốm nổi danh cho tới khi thành thạo những kỹ thuật khó nhất. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Hùng tiếp tục tự mày mò thêm những kỹ thuật mới trong nghề gốm. Kỷ lục Guiness cho những sáng tạo kỹ thuật làm gốm mới mẻ của nghệ nhân Nguyễn Hùng chính là kết quả của bao năm mày mò nghiên cứu. Nhưng với nghệ nhân Nguyễn Hùng, với hơn 40 năm trong nghề, kỷ lục lớn nhất mà anh tâm đắc đó chính là vượt qua được những sáng tạo của chính mình ngày hôm qua để hoàn thiện mình và có thêm những sáng tạo mới trong hành trình viết tiếp giấc mơ gốm Việt./.

Nghệ nhân Nguyễn Hùng bên tác phẩm “Thiềm thừ thiên phong ấn”,
đạt kỷ lục Guiness thế giới tác phẩm điêu khắc linh vật thần thoại bằng gốm lớn nhất thế giới.

 Bài: Thảo Vy  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nghe-nhan-nguyen-hung-va-2-ky-luc-guinness-the-gioi-cho-gom-viet-317055.html


top