Nam Xuân Lạc, vẻ đẹp của lịch sử, tài nguyên và thiên nhiên
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc rộng hơn 4.100 ha, nằm ở vị trí cao hơn 800 mét so với mực nước biển, trải dài trên địa bàn các xã Đồng Lạc, Xuân Lạc, Bản Thi, Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn, có khí hậu quanh năm mát mẻ, thiên nhiên hùng vĩ cùng những dấu ấn lịch sử, văn hoá đặc sắc đang là tiền đề để tỉnh Bắc Kạn phát triển du lịch.
Tuyến đường đến Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc từ xã Bản Thi lên thôn Phja Khao, thôn Bình Trai đi qua hơn 10 km đường rừng, con đường ngoằn ngoèo rộng chừng 3 đến 5 mét vừa đủ cho một xe tải đi qua, với những khúc cua tay áo bám theo sườn núi dốc đứng. Có lẽ cũng bởi vậy mà hơn một thế kỷ trôi qua, dấu tích minh chứng cho thời kỳ lịch sử gắn với mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam và thế hệ các công nhân khai thác mỏ những năm 1900 tại đây vẫn gần như nguyên vẹn.
Cụm kết cấu thép đầu cáp Bình Trai, hệ thống hầm xuyên núi đá vận chuyển khoáng sản, nhà văn phòng bằng đá từ thời Pháp thuộc... đã bị sương gió phủ lên những lớp rêu phong và hoen rỉ, tạo nên nét cổ kính, thấm đượm màu thời gian. Hơn chục km đường mòn phục vụ khai thác khoáng sản được xếp bằng đá phiến, dù không cần mạch vữa vẫn kiên cố tồn tại hàng trăm năm, vách đá sừng sững là nơi bám víu của những loài dây leo rừng chằng chịt.
Đi sâu vào lõi Khu bảo tồn là khu vực cảnh quan thiên nhiên độc đáo và đa dạng. Nơi đây có hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, thảm thực vật phong phú, đặc biệt là những cây gỗ nghiến, trai …cổ thụ hàng trăm năm tuổi được phân bổ khắp Khu bảo tồn. Ở giữa Khu bảo tồn là 2 thung lũng có địa hình bằng phẳng, diện tích lớn, có nguồn nước chảy quanh năm.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nam Xuân Lạc là nơi được chọn để đặt nhiều căn cứ phục vụ hoạt động của chính quyền cách mạng. Đến nay, khu vực này có 07 di tích lịch sử và văn hoá, tiêu biểu như: Đền Phja Khao được xây dựng từ năm 1933 là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn), di tích nền nhà xưởng quân giới Trung ương được xây dựng từ năm 1947, di tích nhà trẻ Trung ương trong thời kỳ kháng chiến từ năm 1948-1954, đây cũng là địa điểm đặt Nhà máy in tiền Việt Nam đầu tiên.
Nam Xuân Lạc có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng phong phú, khí hậu mát mẻ, cảnh quan nguyên sơ, vùng đệm khu bảo tồn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, hứa hẹn là địa điểm tiềm năng để khai thác mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Để đánh thức tiềm năng vốn có của Nam Xuân Lạc, tháng 01/2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nơi đây được quy hoạch 04 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và 09 tuyến du lịch sinh thái.
Đề án đặc biệt chú trọng việc nâng cao vai trò bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng cảnh quan, môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái gắn với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Mục tiêu xây dựng Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của khu vực và nằm trong Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương.
Bài: Hiền Tú Ảnh: Hiền Tú, Tư Liệu
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/nam-xuan-lac-ve-dep-cua-lich-su-tai-nguyen-va-thien-nhien-381179.html