Lễ hội đình chùa Thanh Am
Vào độ tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng Thanh Am, quận Long Biên, Hà Nội lại tưng bừng mở hội đình chùa Thanh Am. Như một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, lễ hội đã thu hút đông đảo người dân địa phương và các tỉnh lân cận về dự lễ.
Thanh Am là làng Việt cổ, có tên nôm na là làng Đuống. Cùng di tích lịch sử đình chùa Thanh Am được kiến tạo vào cuối thế kỷ XVI, được trùng tu và lưu giữ nghệ thuật kiến trúc qua nhiều thời kỳ, đình Thanh Am thờ 3 vị thần hoàng làng gồm hai vị võ tướng thời Bà Trưng là Đào Kỳ và Phương Dung, một vị văn tướng thời Mạc là Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cả ba vị thần hoàng làng đều là nhân thần, trong đó Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tôn vinh là danh nhân văn hóa. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, tầm nhìn chiến lược sâu sắc, người đã những Sấm ký thiên tài về thời cuộc có giá trị đến ngày nay. Ông cũng là người đưa con cháu lập nghiệp ở bờ Nam sông Đuống và hình thành làng Đuống tức làng Thanh Am.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, ngôi đình chùa cổ Thanh Am còn lưu giữ nhiều dấu ấn về nghệ thuật kiến trúc tinh xảo qua các thời kỳ với sắc phong, thần phả, sấm ký, bia đá... Đồng thời ghi lại những thuần phong mỹ tục, hương ước của quê hương Thanh Am có giá trị về mặt lịch sử.
Ông Kiều Văn Nhuận, Trưởng tiểu ban quản lý di tích đình chùa Thanh Am cho biết: “Lễ hội đình Thanh Am là hoạt động văn hóa tín ngưỡng dân gian đã có hơn 400 năm. Việc tổ chức lễ hội là điều hết sức ý nghĩa và cần thiết để phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ nhằm phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp quê hương, giáo dục về truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, để tưởng nhớ công ơn của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.”
Lễ hội được tổ chức trong hai ngày 9,10/3 âm lịch. 7 giờ sáng ngày mùng 9 tất cả có mặt tại sân đình. Đội quân cờ, quân kiệu đi trước rồi đến trống chiêng mở đường cho kiệu thánh đi. Sau kiệu có đội nữ vừa đi vừa múa sênh, đi tiếp sau là cụ tiên chỉ làng trong lễ phục màu đỏ, đội mũ tế. Cuối cùng là các đội anh em Lê Xá và Cống Thôn cùng nhân dân trong làng. Xuất phát từ làng đi vòng qua nửa làng lên đê sông Đuống rồi dừng lại nơi có thuyền gỗ. Lúc này đội rước nước sẽ xuống thuyền múc 12 gáo nước để mang về thắp hương vào ngày rằm và mùng 1 âm để dâng lên cụ thánh trong 12 tháng trong năm cùng 4 tết là 20 tháng 2 âm lịch là tết Xuân, 15/8 giỗ cụ Đào Kỳ, 23 tháng Chạp giỗ trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tết Thanh Minh hội làng. Nước thiêng được lấy ở giữa dòng sông Đuống, nơi dòng chảy trong nhất với ước muốn của người dân mong Đức Thánh phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, khí hậu mát mẻ, mùa màng tươi tốt, công việc hanh thông, an ninh khang thái.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/le-hoi-dinh-chua-thanh-am-367252.html