Làng “chiếu ma” Định yên

Làng “chiếu ma” Định yên

Theo nhiều người dân ở làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) kể lại thì xưa kia nơi đây được biết đến với tên gọi chợ “chiếu ma”, do chợ nhóm họp vào ban đêm vì ban ngày mọi người bận dệt chiếu. Chợ họp tầm sau 19h, đèn đuốc lập lòe, những tấm chiếu đủ màu sắc đỏ - xanh – vàng hiện lên nổi bật trong bóng đêm. Chợ “chiếu ma” kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ rồi tan chợ. Ngày nay, vào cuối tuần, bà con làng nghề tổ chức chợ chiếu ngay trong đình thần Định Yên, bao gồm các hoạt động buôn bán, ẩm thực và nghệ thuật rất đặc sắc. 

Làng chiếu Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm. Nằm cạnh sông Hậu, vùng đất này có nhiều cồn, bãi bồi để phát triển tốt các loại nguyên liệu là cây bố và lác để làm ra sản phẩm. Theo các nhà nghiên cứu thì cư dân làng chiếu Định Yên có gốc gác từ đồng bằng ven biển Bắc Bộ (Thái Bình, Nam Định). Khi vào phương Nam, lưu dân đã mang theo nghề dệt chiếu truyền thống và phát triển mạnh tại địa phương.


Ngày nay, nghề dệt chiếu tập trung chủ yếu ở hai xã Định An và Định Yên, nhất là ở các ấp An Lợi A, An Lợi B, An Khương và An Bình của xã Định Yên. Một điều đặc biệt là các hộ dân làm chiếu hầu hết sinh sống xung quanh ngôi đình Định Yên, và người ta thường phơi những tấm chiếu với các màu sắc xanh – vàng – đỏ xung quanh ngôi đình và hai bên đường vào làng đã trở thành hình ảnh quen thuộc, đặc trưng và đẹp mặt của làng nghề dệt chiếu.

Việc đưa máy móc vào một số công đoạn trong sản xuất chiếu như hiện nay đã góp phần giảm sức lao động tay chân và tăng về số lượng sản phẩm cho các hộ làm nghề. Một số cơ sở kinh doanh lớn ở làng chiếu có thể kể đến như: cơ sở chiếu Thanh Bình, cơ sở chiếu, Vĩnh Lợi, chiếu Bé Hai… có năng lực sản xuất được số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao của thị trường. Anh Phan Văn Tấn (chủ cơ sở chiếu Bé Hai) cho biết, gia đình anh gắn bó với nghề làm chiếu đã trên 30 năm, hiện nay, với hai máy đan sợi lác cùng năm nhân công làm việc thường xuyên thì một ngày trung bình làm được 50 sản phẩm chiếu các loại.

Còn cơ sở Thanh Bình nằm sát đình Định Yên thì năng xuất gấp 10 lần cơ sở của anh Tấn, khi có trên 20 nhân công cũng như hệ thống máy móc đầy đủ, chuyên nghiệp. Anh Tấn cũng chia sẻ thêm, nghề dệt chiếu đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay, cũng như bí quyết riêng của mỗi cơ sở để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp, mang thương hiệu, cá tính riêng. Để hoàn thành một chiếc chiếu với hình ảnh, màu sắc sắc sảo và ít phai, thì cũng phải mất khá nhiều công đoạn, điều quan trọng là phải lựa các sợi lác nguyên liệu đều, phải phơi đủ độ nắng trước khi nhuộm đủ loại màu xanh, đỏ, vàng… trong nước đun sôi. Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm màu lên, nhúng từng chùm lác nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Sau đó, lác tiếp tục được mang phơi nắng thêm một buổi rồi mới mang vào dệt. Khi dệt xong, người thợ mang chiếu đi cắt bìa, may vải và phơi nắng.


Trong các loại chiếu thì chiếu hoa và chiếu vảy ốc là khó dệt nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo. Qua bàn tay khéo léo của mình, hàng năm các hộ dân nơi đây đã sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chiếu có hoa văn rực rỡ, mịn màng và bền chắc được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Năm 2012,  đình thần Định Yên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Một năm sau, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia – một niềm tự hào của người dân làng nghề dệt chiếu Định Yên. Đặc biệt, làng chiếu Định Yên còn được nhiều đoàn làm phim chọn làm bối cảnh để đóng các phim về văn hóa miền Tây Nam bộ, trong đó gần nhất là bộ phim Lật mặt 6 của đạo diễn - ca sĩ Lý Hải với bối cảnh chính được quay tại đây./.


Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân/ Báo ảnh Việt Nam

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/lang-chieu-ma-dinh-yen-353536.html


top