Làm lọ hoa, ấm chén thủ công- Phát triển kinh tế từ mô hình gia đình
Làm gốm thủ công là nghề truyền thống của gia đình anh Đức Khoa, chị Vũ Hải. Họ đi lên từ sự tần tảo lao động và tiếp nối nghề Gốm của vùng đất Bát Tràng. Phát triển mô hình kinh tế gia đình từ làm Gốm thủ công sáng tạo những sản phẩm như lọ hoa, ấm chén.. là một hướng đi giúp sinh kế bền vững và tạo dựng thương hiệu cá nhân của người làm Gốm Việt Nam hôm nay.
Trong làng Bát Tràng, Hà Nội có nhiều hộ gia đình làm gốm, chọn một cách đi không mới nhưng có bản sắc là cách làm của hộ gia đình Gốm Đức Khoa. Những năm gần đây, người tiêu dùng quan tâm nhiều đến các sản phẩm lọ hoa, ấm chén… để làm đẹp cho các không gian nội thất, và sinh hoạt gia đình. Chuốt gốm thủ công làm lọ hoa, ấm chén… của gia đình anh Nguyễn Đức Khoa, xã Bát Tràng đã phát triển theo một ngách riêng: Đưa sản phẩm thiết yếu làm thủ công từ gốm trở thành một sản phẩm nghệ thuật nhưng có giá trị kinh tế góp phần tô điểm cho cuộc sống của người Việt.
Mô hình kinh tế gia đình làm Gốm Thủ công được anh tạo dựng đã giúp Gốm Đức Khoa khẳng định vị thế của mình trong làng nghề. Các nhóm sản phẩm chủ lực chỉ có ở gốm Đức Khoa gồm: lọ hoa, ấm, chén, bát, khay đựng... đều được chuốt thủ công với cách làm truyền thống nhưng tạo dấu ấn riêng từ tạo hình, men gốm.
Tôi đến xưởng gốm gia đình Đức Khoa đúng vào hôm Hội làng Truyền Thống làng Bát Tràng. Hai vợ chồng anh Đức Khoa, chị Vũ Hải hồ hởi kể cho tôi nghe về câu chuyện khởi nghiệp không giống ai của Gốm Đức Khoa. Với họ, nghề Gốm Bát Tràng là một niềm tự hào nhưng cũng là cái nôi giúp anh Khoa, chị Hải có một “gia đình Gốm” bền vững với nghề và tạo dựng thương hiệu Gốm gia đình Đức Khoa như hôm nay.
Anh Khoa là người gốc Bát Tràng, gia đình có 3 đời làm nghề gốm. Anh cũng như bao thanh niên khác của làng quê đã chọn “nghề” của làng và chung thủy với chức danh “thợ gốm”. Người thợ gốm gắn bó với đất nung với bàn xoay, với lò gốm không chỉ vất vả mà còn góp trong đó cả mồ hôi, gia sản của mình để từ đó làm thương hiệu “chủ gốm”.
18 tuổi, chị Hải đã cặm cụi đạp xe đi từ Yên Mỹ (Hưng Yên) lên Bát Tràng học vẽ gốm. Một lần, đến thăm nhà anh Khoa thấy anh chăm sóc cho mẹ bị ốm rất chu đáo. Chị Hải thương người thợ gốm Đức Khoa chăm chỉ, hiếu thảo và yêu luôn cả cái nghề mà anh gắn bó, say mê. Hai vợ chồng Đức Khoa, Vũ Hải đã cùng nhau khởi nghiệp khi anh 25 tuổi, chị mới 20 tuổi. Họ bắt đầu “mở lò” làm xưởng gốm tại gia đình với sản phẩm đầu tay xuất xưởng là những cái chén uống nước giá 10 ngàn đồng.
Những năm 90, Mô hình kinh tế gia đình Gốm Đức Khoa khởi nghiệp rất khó khăn nhưng hai vợ chồng anh Khoa đồng lòng vượt khó. Do vốn ít, anh Khoa phải mở lò gốm tại gia, 2 tầng dưới gia đình ở, lò gốm và xưởng gốm ở trên tầng cao. Hàng ngày anh Khoa chuốt gốm, chị Hải vẽ và trang trí tạo hình cho sản phẩm. Họ cùng nhau làm ra những sản phẩm gốm hoàn toàn thủ công: lọ hoa, ấm, chén, khay... Một năm rồi 10 năm, Gốm Đức Khoa đã bắt đầu khẳng định được thương hiệu của mình đặc biệt trong mảng sản phẩm phục vụ cuộc sống và làm đẹp không gian gia đình như Lọa hoa, ấm, chén... Anh Khoa đã có những đơn hàng lớn góp phần ổn định sản xuất và tuyển thêm thợ cho xưởng gốm gia đình.
Gốm Đức Khoa đẹp ở chỗ: Sản phẩm làm hoàn toàn là chuốt tay thủ công, công thức nung gốm với kinh nghiệm gia truyền và bí quyết riêng qua thời gian trải nghiệm đã giúp những sản phẩm gốm Khoa ra lò có thẩm mỹ về màu sắc, đẹp về màu men.
Anh Đức Khoa chia sẻ: Làm gốm mô hình gia đình đòi hỏi sự chung sức của cả nhà ở tất cả các công đoạn. Từ khâu chuốt gốm trên bàn xoay, tạo hình sản phẩm đến nung gốm đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Nung gốm không đơn giản vì nếu không có trình độ kỹ thuật rất dễ bị “tai nạn”, sản phẩm ra lò méo mó, không khớp hình, men bị rạn. Hỏng một mẻ gốm nguy cơ “sạt nghiệp”. Anh Khoa có kỹ thuật tráng men với kinh nghiệm lâu năm cùng với đó là cường độ làm việc kỷ luật, anh tỉ mỉ trong kiểm soát nhiệt độ nung và giám sát các mẻ sản phẩm gốm rất chi tiết để tạo ra những mẻ gốm ra lò hoàn hảo. Mỗi sản phẩm lọ hoa, ấm chén..gốm Đức Khoa mỗi lần “nổi lửa” đều mang một dáng dấp riêng, độc đáo không lẫn vào đâu được giữa rất nhiều sản phẩm cùng hạng trên thị trường.
Chị Hải là người rất yêu nghề và đam mê học hỏi. Kỹ thuật vẽ tay trên gốm được chị thực hiện thủ công và tạo nét riêng cho các dòng gốm Đức Khoa từ họa tiết, hoa văn, đường nét. Hai vợ chồng Đức Khoa, Vũ Hải đã tạo nghề và truyền cảm hứng cho hai con trai cũng yêu nghề gốm. Hai con của anh chị đều sử dụng kỹ thuật tạo hình, phun màu thành thạo góp phần tạo sản phẩm Gốm Đức Khoa chân thật và tự nhiên.
Đi lên từ sự chăm chỉ và sáng tạo, cơ sở sản xuất của Gốm Đức Khoa đã tạo dựng được thương hiệu, góp phần bảo tồn nghề làm gốm truyền thống của Bát Tràng. Đặc biệt mô hình kinh tế hộ gia đình đã góp phần tạo việc làm ổn định cho các thành viên gắn bó với làng quê, tạo dựng Gốm Khoa thành điểm đến của làng nghề sáng tạo thủ công truyền thống.
Bài, ảnh: Vân Trần, ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/lam-lo-hoa-am-chen-thu-cong-phat-trien-kinh-te-tu-mo-hinh-gia-dinh-395699.html