Khởi nghiệp từ củ ngưu bàng

Khởi nghiệp từ củ ngưu bàng

Ngưu bàng được biết đến là một trong những nguyên liệu quan trọng trong chế biến món ăn của phương pháp thực dưỡng, vị thuốc được dùng rộng rãi ở một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Triều Tiên. Vì thế, thời gian qua, cây ngưu bàng được lựa chọn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế. Như mô hình trồng cây ngưu bàng trên vùng đất bãi ven sông ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. 

Ngưu bàng là giống cây mới, kỹ thuật trồng cũng khác so với những cây truyền thống của địa phương. Trước hết là việc làm đất, tạo luống gieo hạt. Cần phải làm kỹ luống cao tối thiểu 40 -50 cm, đảm bảo thoát nước tốt, vì cây có củ phát triển từ 60 - 120 cm. Mật độ gieo trồng vừa phải, tránh bị sâu bệnh và đạt tỷ lệ thu hoạch sản phẩm loại 1 cao hơn. Đất trồng cây phải là đất phù sa bù đắp tầng màu sâu, giàu dinh dưỡng.

Trong quá trình gieo trồng, 2 tháng đầu phải chú ý chăm sóc thật kỹ, bởi cây còn non rất dễ bị côn trùng và tác động thời tiết gây ảnh hưởng xấu. Sau khi sinh trưởng 5 lá trở ra thì cây mới khoẻ, đứng vững với rễ cọc. 

Nhìn chung ngưu bàng là giống cây tương đối dễ tính, chỉ vất vả ở giai đoạn cây con, còn khi đã trưởng thành thì chỉ cần đợi thu hoạch, không phải mất công chăm bón. 

Thu hoạch ngưu bàng cũng có khác biệt, vì củ ngưu bàng ăn sâu dưới đất, có củ dài tới 1,2 m, phải dùng máy xúc hỗ trợ. Trung bình 1 sào tốn hơn 3 triệu đồng tiền thuê máy xúc cùng 5 người nhân công đi kèm để thu hoạch.


Theo chân những người nông dân vừa thu hoạch củ ngưu bàng, chúng tôi đến Hợp tác xã Nông nghiệp Senfarm ở xã Thái Tân (huyện Nam Sách) do anh Nguyễn Mạnh Hà làm giám đốc. Anh Hà cho biết, đầu năm 2017, anh thuê chuyên gia Nhật Bản chuyên về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trồng thí điểm 20 loại cây, xác định xem cây nào có nhiều giá trị dinh dưỡng để tập trung khai thác thị trường. Sau một thời gian nghiên cứu, đánh giá, anh đã lựa chọn giống cây ngưu bàng. Tin tưởng vào hướng phát triển kinh tế từ loại cây quý có nguồn gốc từ Nhật Bản, anh quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Senfarm, thuê 5 ha đất ngoài bãi sông Thái Bình ở xã Thái Tân để khởi nghiệp và phát triển đến hiện nay. 

Không chỉ tập trung phát triển kinh doanh cho Hợp tác xã của mình, anh Nguyễn Mạnh Hà còn hướng dẫn nhiều người dân trong xã trồng và thu mua củ ngưu bàng, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Hiện tại, Hợp tác xã Senfarm đang cung cấp giống (miễn phí) và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân, đồng thời thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá từ 8 triệu đồng/sào trở lên tuỳ chất lượng. Củ ngưu bàng tươi được bán cho các cửa hàng nông sản cao cấp tại Hà Nội và các đơn vị sản xuất thực phẩm thực dưỡng với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg.


Bà Nguyễn Thị Đào ở thôn Mạc Bình (xã Thái Tân), tham gia trồng ngưu bàng từ giai đoạn đầu, chia sẻ: "Trồng cây này được hỗ trợ hạt giống, đồng thời không tốn chi phí phân bón, thuốc sâu. Mỗi ha ngưu bàng tôi thu lãi tối thiểu 150 triệu đồng. Tôi cũng không phải lo đầu ra vì có hợp tác xã bao tiêu nên rất yên tâm sản xuất".

Dù đã có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng củ ngưu bàng khi bán ra mới chỉ là sản phẩm thô, hiệu quả có cao hơn các cây trồng khác nhưng chưa thể phát huy tối đa giá trị của loại cây quý này. 

Hợp tác xã Senfarm cũng đã tìm tòi nghiên cứu để chế biến ra các sản phẩm khác như: ngưu bàng tươi, ngưu bàng khô thái lát, bánh đa ngưu bàng, sản phẩm ngưu bàng lên men, trà túi lọc ngưu bàng... 


Ngưu bàng là giống cây quý, ngoài giá trị dinh dưỡng cao còn mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, nhưng để phát triển mạnh tiềm năng của giống cây này cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ cả nhu cầu xuất khẩu./.

Bài, ảnh: Khánh Long, Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam 

 

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/khoi-nghiep-tu-cu-nguu-bang-305768.html


top