Khâu nhục Cao Bằng- Món ngon mang đậm bản sắc văn hóa Tày
"Khâu nhục" hay còn gọi là "Nằm khâu", bắt nguồn từ tiếng Tày, mang ý nghĩa là "thịt mềm nhừ". Món ăn này thường xuất hiện trong những dịp lễ Tết, cỗ bàn quan trọng hoặc để đãi khách quý, thể hiện sự hiếu khách và lòng thành kính của người Tày.
Hình thức trình bày món khâu nhục cũng mang ý nghĩa độc đáo. Thịt ba chỉ được xếp xen kẽ với khoai môn, tạo thành hình chóp nhọn tựa như một ngọn núi nhỏ, tượng trưng cho sự no đủ, sung túc và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây.
Mỗi địa phương có cách chế biến khác nhau, nhưng đều mang đậm nét đặc trưng riêng của người miền núi. Khâu nhục được chế biến một cách cầu kỳ, phải có đầy đủ các loại gia vị cần thiết, dù thiếu một thứ gia vị cũng không thành được món ăn thơm ngon, hấp dẫn này. Nguyên liệu để làm món khâu nhục, gồm: thịt ba chỉ lợn, thịt lợn xay, nấm hương rừng, rau cải muối, quả mắc mật… Thịt lợn quay giòn da, và thái thành miếng cho vừa ăn, thường là vừa vặn với chiếc bát dùng để cho các nguyên liệu vào hấp. Tiếp theo khoai môn gọt sạch vỏ, đem thái lát thành từng miếng to bằng miếng thịt lợn vừa chia phần. Nấm hương rừng, rau cải muối và mộc nhĩ băm nhỏ, xào thơm cùng thịt lợn xay và nêm nếm gia vị. Quan trọng nhất là cho vào đó hạt mắc mật khô xay nhỏ. Cho thịt lợn đã thái cùng hỗn hợp trên đảo đều lẫn nhau, ướp chừng 15 phút cho ngấm gia vị rồi xếp thịt và khoai vào bát, cứ một miếng thịt xen kẽ một miếng khoai. Sau đó cho thêm hỗn hợp thịt xay, nấm hương lên trên. Dùng đĩa đậy bát lại và hấp cách thủy ít nhất 8 tiếng đồng hồ. Khi thưởng thức sẽ lật úp ngược bát thịt ra đĩa, mở bát để cảm nhận mùi thơm tỏa ra của gia vị và rau cùng màu vàng bắt mắt của miếng thịt. Món khâu nhục có thể dùng cơm trắng hoặc bún.
Bài: Bích vân, ảnh:Thanh Giang/ Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/khau-nhuc-cao-bang-mon-ngon-mang-dam-ban-sac-van-hoa-tay-370754.html