Khám phá Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương

Khám phá Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương

Bảo tàng Văn hoá Nghệ thuật Đông Dương (thành phố Hải Phòng) hiện đang lưu giữ và trưng bày trên 15.000 hiện vật với niên đại từ hàng trăm năm cho đến hàng ngàn năm tuổi. Đây là bảo tàng tư nhân được gây dựng bởi niềm đam mê lịch sử và tình yêu nghệ thuật của doanh nhân Cao Văn Tuấn.

Không gian tầng 1 là không gian trưng bày chính của Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương.

Tuy công việc chính là kinh doanh, nhưng doanh nhân Cao Văn Tuấn (62 tuổi ở Hải Phỏng) có một niềm đam mê mãnh liệt với văn hóa nghệ thuật. Ông bắt đầu sưu tập cổ vật và các tác phẩm hội họa, điêu khắc từ khi đang ở độ tuổi đôi mươi. Ban đầu chỉ là những món đồ trao đổi qua lại giữa những người cùng sở thích, hoặc săn tìm từ các ông chủ đồ cũ, thậm chí là mua lại từ những người bán phế liệu. Sau này, đến khi làm ăn phát đạt, ông có nhiều cơ hội sưu tầm hơn từ mối quan hệ thân thiết với nhiều họa sĩ, nhà sưu tầm. Ngay từ đầu, ông Tuấn đã định hướng rõ quan điểm sưu tầm của mình là sự kỹ càng về nguồn gốc, tiểu sử và những câu chuyện liên quan đến cổ vật đó.       

Đến nay, ngoài 300 tác phẩm hội họa, trong đó có nhiều tác phẩm của các danh họa mỹ thuật Đông Dương thì trong bộ sưu tập của Cao Văn Tuấn có tới 15.000 hiện vật với khoảng 2.000 cổ vật quý hiếm. Đây là thành quả của quá trình hàng chục năm trời, ông đi khắp đất nước để săn tìm cổ vật và là nền tảng để tạo dựng nên Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương rộng hơn 1.000 m2 trong một vườn cây rộng hơn 1,3 héc-ta.


Mái nhà thời Lý (thế kỷ 11) với các chi tiết ống tơ, lá đề, đầu đao rồng
với tỉ lệ 1/1 chuẩn bản vẽ được ông Cao Văn Tuấn phục dựng lại.

Từ khi bén duyên với đồ cồ, ông Tuấn luôn nuôi dưỡng ý tưởng xây dựng bảo tàng nhưng mãi vài năm gần đây ý tưởng đó thành hiện thực. Dạo bước qua các gian trưng bày theo chuyên đề của bảo tàng mới thấy hết công sức của ông Cao Văn Tuấn. Dàn đèn bên trong các khu trưng bày được bố trí công phu, khiến cho những tác phẩm tranh, điêu khắc và cổ vật hiện lên lung linh, tinh tế. Trong suốt quá trình hoàn thiện bảo tàng, ông Tuấn đã phải tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, từ việc sử dụng ánh sang, bố trí cổ vật theo thời gian hay không gian, sự kiên kết của các cổ vật khi trưng bày…

Theo lý giải của ông Tuấn, bộ sưu tập đồ gốm từ thời đại Đông Sơn đến thế kỷ 20 được bài trí theo dòng thời gian. Trong khi đó, những món đồ thờ, tượng cổ, được bố trí theo không gian.



Tầng 1 của bảo tàng là không gian trưng bày chính. Du khách có thể vào các hầm kho xem “Hùng thư bảo điện” (ban thờ của người Nhật) hay những hũ nhỏ xinh đựng gia vị có từ thuở Hai Bà Trưng dựng nước được xếp tầng tầng, lớp lớp. Chiếc trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 TCN – thế kỷ 6 CN) của người Việt cổ với ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống tượng trưng cho thần Mặt trời vẫn còn khá nguyên vẹn.

Sau khi tham quan hết khu trưng bày tại tầng 1 thì du khách sẽ được hướng dẫn lên tầng 2 để chiêm ngưỡng các hiện vật gốm, đá, đồ đồng gồm binh khí, thạp, đĩa, hũ, bình hay đồ trang sức từ văn hóa Phùng Nguyên (cách nay gần 4.000 năm) đến thời Lý, Trần, Mạc… rồi nhà Nguyễn đều được nâng niu, đánh số.


Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ những cổ vật đặc biệt, có giá trị lịch sử lâu đời như đôi câu đối cổ ca ngợi công ơn Đức Vương Ngô Quyền có niên đại thế kỷ 18, lư hương triều Lê trung Hưng thế kỷ 16-17) hay bộ ba pho tượng Đệ nhất thành mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải) – một “tứ bất tử” trong truyền thống thờ phụng của người Việt, bức tượng Phật bà quan âm thiên thủ thiên nhãn và nhiều hiện vật khác…

Bảo tàng Văn hóa Nghệ thuật Đông Dương được UBND thành phố Hải Phòng cấp phép hoạt động với hình thức bảo tàng ngoài công lập dưới sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng và chính quyền địa phương. Hiện tại, Bảo tàng đang mở cửa miễn phí cho du khách và hứa hẹn trở thành địa chỉ đỏ cho du khách ưa thích khám phá văn hóa và nghệ thuật Đông Dương./.

Bài: Công Đạt, Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/kham-pha-bao-tang-van-hoa-nghe-thuat-dong-duong-351203.html


top