Hồi sinh Chùa Cầu
Trải qua khoảng 400 năm tồn tại, Chùa Cầu, một công trình kiến trúc đặc biệt mang tính biểu tượng của di sản thế giới Phố cổ Hội An đã xuống cấp nghiêm trọng. Được sự giúp sức của các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức hợp tác quốc tế đến từ Nhật Bản, cuộc đại trùng tu lần này đã giúp Chùa Cầu hồi sinh, vững bền cùng năm tháng.
Chùa Cầu hay còn gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều là công trình có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trở thành biểu tượng đặc trưng, là linh hồn của đô thị cổ Hội An.
Trong khoảng 400 năm tồn tại, kể từ khi khởi dựng, dù đã trải qua nhiều lần tu sửa song Chùa Cầu cũng không thể tránh khỏi sự xuống cấp như bao công trình kiến trúc gỗ khác.
Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, chịu tác động của thời gian, môi trường, nhất là ảnh hưởng của bão lũ hằng năm, công trình đã bị hư hỏng nghiêm trọng, cần phải được tu bổ khẩn cấp.
Sau một thời gian nghiên cứu khá dài, kĩ càng với nhiều cuộc khảo sát, hội thảo, tọa đàm, trao đổi để thống nhất phương án trùng tu, ngày 28/12/2022 di tích Chùa Cầu được khởi công tu bổ và sau hơn 19 tháng cuộc đại trùng tu đã hoàn thành vào ngày 03/08/2024.
Việc đại trùng tu công trình Chùa Cầu lần này được xem là một thử thách không hề nhỏ đối với giới chuyên gia và các nghệ nhân trực tiếp thực hiện. Bởi công trình đã trải qua gần nửa thế kỉ nên mức độ hư hại rất nghiêm trọng, nhiều hạng mục hư hỏng không còn dấu vết. Vì vậy, để phục hồi công trình một cách chính xác và gần sát với nguyên trạng nhất đòi hỏi việc tu bổ phải được tính toán một cách cẩn trọng, chính xác và khoa học dựa trên kết quả khảo sát thực địa, khảo cổ học, tham vấn chuyên gia và thẩm duyệt của cấp thẩm quyền.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một di tích được tu bổ theo cách “giải phẫu mở”, tức là quá trình tu bổ, sửa chữa diễn ra ngay giữa lòng phố cổ, nơi mà lượng du khách và người dân luôn nhộn nhịp qua lại hằng ngày nên có thể trực tiếp quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.
Trong quá trình sửa chữa, nhiều chi tiết, cấu kiện như gạch, ngói, dầm, sàn, rui, mái, hoa văn, hoạ tiết… được đánh dấu, quay phim, chụp ảnh tỉ mỉ từ hình dáng, màu sắc, kích thước cho đến vị trí… nhằm tránh sai sót trong quá trình tháo dỡ và lắp đặt lại.
Với sự cẩn trọng và khoa học, sau cuộc đại trùng tu lần này, hình dáng kiến trúc và kết cấu Chùa Cầu, từ tổng thể đến chi tiết được bảo tồn gần như nguyên vẹn; từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử nếu còn tốt đều được gìn giữ, sử dụng lại; những bộ phận bị hư hỏng sẽ được gia cố, tăng độ bền để tận dụng lắp dựng lại bằng cách sử dụng kĩ thuật truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại; chỉ một số ít các cấu kiện bị hư hỏng hoàn toàn buộc phải thay mới nhưng được đảm bảo về mặt hình thức, chất liệu và kĩ thuật gần đúng như nguyên bản.
Có thể nói, sau gần nữa thế kỉ đối mặt với thời gian, mưa gió, sau cuộc đại trùng tu lần này, di tích Chùa Cầu đã được hồi sinh. Công trình đã được khắc phục gần như triệt để các khiếm khuyết, gia cường đáng kể sự chắc chắn, đảm bảo sự ổn định, bền vững để tiếp tục trường tồn cùng di sản văn hóa Hội An, tiếp tục là điểm đến yêu thích không thế thiếu trong hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước.
- Bài, ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/hoi-sinh-chua-cau-379905.html