Hà Nội xuất khẩu nông sản

Hà Nội xuất khẩu nông sản

Sản phẩm gia vị của Công ty DACE tại triển lãm hàng nông nghiệp ở Châu Âu. Ảnh: Ánh Nguyệt

Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường xuất khẩu, Hà Nội phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng, có mã vùng trồng để đảm bảo nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hà Nội còn xây dựng những chuỗi liên kết các mặt hàng nông sản chủ lực nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu…

Hà Nội có diện tích sản xuất nông nghiệp khá lớn và có nhiều nhóm ngành hàng phù hợp với quy mô sản xuất để xuất khẩu. Hiện tại, nông sản xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội là quế, hồi, gia vị (tỏi, gừng, ớt), chè xanh, chè đen, gạo, nấm hương, mộc nhĩ… Hà Nội có khoảng 70 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Đông Á. Đây cũng là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Hà Nội. Ngoài ra, nông sản Hà Nội còn được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ, các khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông. Năm 2023, xuất khẩu nông sản mang về cho Nông nghiệp Hà Nội trên 1,35 tỷ USD. Đây là con số đầy ấn tượng bởi Nông nghiệp Hà Nội hiện còn gặp không ít khó khăn.

Hợp tác xã Tam Hưng triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ. Ảnh Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam


Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội, thành phố hiện có trên 13.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có hơn 1.700 cơ sở chế biến và hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Thành phố đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30 - 50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. 

Đoàn chuyên gia của Ủy ban châu Âu đi kiểm tra vùng nguyên liệu Quế ở Cao Bằng. Ảnh: Ánh Nguyệt

Hà Nội đã và đang phối hợp chặt chẽ với 43 tỉnh, thành phố để duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu của thành phố với các chuỗi sản xuất ở nhiều địa phương, đánh dấu sự hợp tác tích cực và chủ động. Hà Nội hiện có một số nông sản chất lượng cao xuất khẩu đi các nước như: Mỹ (xuất khẩu nhãn muộn Đại Thành), Đức (xuất khẩu gạo hữu cơ Đồng Phú), Hàn Quốc (xuất khẩu rau an toàn Văn Đức), Trung Quốc (xuất khẩu chuối tiêu hồng)… Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nhiều nông sản có tiềm năng xuất khẩu như gạo (khoảng 7.000 ha lúa Japonica), rau an toàn (trên 5.000 ha), rau hữu cơ (hơn 50 ha) và không ít sản phẩm chế biến chất lượng cao.

Phân loại sản phẩm chuối tiêu hồng xuất khẩu của Công ty 3T. Ảnh Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam
Máy sàng xay Quế nguyên liệu các cỡ tại Công ty DACE ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam

Bà Phạm Thị Bích Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường cho biết, công ty chuyên chế biến các sản phẩm gia vị hữu cơ từ gừng, nghệ, quế, hồi, tỏi, ớt, sả. Hai vùng nguyên liệu chính của công ty là Cao Bằng và Hà Giang. Thời gian qua, Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường khai thác những thế mạnh, ưu đãi trong các FTA như: Hiệp định CPTPP, EVFTA, một số cam kết mới với Anh, UAE… nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay, trung bình mỗi năm công ty sản xuất khoảng 300 tấn quế khô, 200 tấn hồi khô, 500 tấn gừng tươi, 100 tấn nghệ khô và 200 tấn ớt chỉ thiên tươi… Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, một số nước Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc… 



Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) chia sẻ, hợp tác xã có 220 ha rau an toàn, trong đó có gần 27 ha sản xuất theo quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, ngoài cung cấp cho các siêu thị, chợ đầu mối, các tỉnh lân cận, hợp tác xã còn duy trì xuất khẩu trên 300 tấn rau an toàn/năm sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Cùng là mặt hàng rau muống đạt tiêu chuẩn VietGAP, nếu bán tại các siêu thị ở Hà Nội chỉ có giá khoảng 15.000 đồng/bó (khoảng 0,6 USD) nhưng khi xuất khẩu được sang Hàn Quốc lại có giá đến 52.000 đồng/bó (khoảng 2.880 won).


Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với thành phố điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, nhất là các nông sản chủ lực; tăng cường tập huấn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ tăng cường tuyên truyền các hiệp định thương mại và điều kiện nhập khẩu của các nước để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng nông sản. Đồng thời, tổ chức kết nối, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài như một phần quan trọng trong chiến lược xuất khẩu nông sản của Hà Nội.

Giới thiệu sản phẩm tới khách nước ngoài của Công ty DACE ở thị trường Đức. Ảnh: Ánh Nguyệt

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội phải vươn lên là điểm sáng, đi đầu trong cả nước về công nghệ và chế biến. Hà Nội phải thành trung tâm trung chuyển, chế biến nông sản. Nông nghiệp Hà Nội phải liên kết với các tỉnh, thành phố theo chuẩn mực quốc tế để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu

 Bài và ảnh: Hoàng Hà, Công Đạt, Thanh Giang, Ánh Nguyệt /Báo ảnh Việt Nam 

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/ha-noi-xuat-khau-nong-san-374280.html


top