Động lực tăng trưởng ngành logistics ở Đông Nam Á
Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải của ASEAN và toàn cầu. Chính vì thế, các quốc gia khu vực Đông Nam Á đã đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển cũng như vận tải đường bộ, nhằm phát huy lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics.
Được Ngân hàng Thế giới xếp vị trí thứ nhất trên 155 quốc gia về lĩnh vực logistics, cùng với vị trí chiến lược tại khu vực Đông Nam Á, Singapore hiện đang là một trung tâm thương mại, giao dịch, vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Ngành dịch vụ hàng hải và logistics đóng góp tới 34% giá trị khu vực dịch vụ, đóng góp tới xấp xỉ 20% vào nền kinh tế Singapore.
Đặc biệt, năm 2040 siêu cảng Tuas đón tàu container lớn nhất thế giới của Singapore sẽ hoàn tất với tổng công suất lên tới 65 triệu TEU, cao hơn so với tổng công suất 50 triệu TEU của cả 5 nhà ga container hiện có.
Trong khi đó, Indonesia là nền kinh tế internet lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Dự kiến sẽ chiếm 50% tổng số giao dịch thương mại điện tử ở Đông Nam Á vào năm 2025. Do sự gia tăng đột biến của thương mại điện tử, nhu cầu về việc cung cấp các sản phẩm, điều này đang trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistic. Chính phủ nước này đã lên kế hoạch xây dựng Hệ sinh thái logistics quốc gia (NLE) với 14 cảng biển và cảng hàng không nhằm hỗ trợ và thúc đẩy ngành logistics.
Việt Nam cũng là quốc gia tiên phong trong khu vực quy hoạch hệ thống cảnh biển đồng bộ phục vụ giao thương hàng hải. Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nước ta có 286 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng với hơn 96 km với tổng công suất đạt khoảng 700 triệu tấn/năm. So với quy mô vận tải biển của các nước Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Singapore.
Chính phủ Việt Nam đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, cần đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, phát triển ngành logistics thân thiện với môi trường, gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Ông Thomas Tieber, Giám đốc điều hành của DHL Global Forwarding tại khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh: "Vận tải đường bộ hứa hẹn tạo nên một tương lai xanh hơn, hiệu quả và an toàn hơn nhờ công nghệ, đồng thời bền vững hơn nhờ sử dụng hiệu quả nhiên liệu. Khi kết hợp cùng nhau, những yếu tố này tạo ra sự biến chuyển cho ngành vận tải hàng hóa đường bộ và cung cấp các giải pháp logistics bền vững và thu hút hơn bao giờ hết".
Đường sắt các nước ASEAN cũng đang nỗ lực tham gia xây dựng chuỗi logistics để khai thác nguồn lực như cảng biển, cảng cạn, đặc biệt nâng cao tỷ trọng vận tải đường sắt trong chuỗi logistic. Thị trường vận tải đường bộ ASEAN được dự đoán tốc độ CAGR trên 8% trong giai đoạn 2020-2025.
Tuy nhiên, các thành viên ASEAN vẫn đang ở các giai đoạn khác nhau trong phát triển hệ thống logistics. Đó là lý do ra đời của Mạng lưới logistics thông minh ASEAN (ASLN), nhằm mục đích thúc đẩy sự liên kết và hội nhập logistics trong khối ASEAN. Cụ thể, đã có hai dự án được khởi công, đó là Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc tại Việt Nam (siêu cảng giữa Singapore và Việt Nam) và khu phức hợp Phnom Penh Logistics Complex ở Campuchia.
Bên cạnh đó, tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào đi vào vận hành đã trở thành một động lực thúc đẩy kết nối khu vực, hợp tác kinh tế. Đây được cho là kết quả của sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN nhằm thúc đẩy BRI (một vành đia, một con đường) chất lượng cao.
Kết nối kinh tế và thương mại là một ưu tiên quan trọng đối với các nước Đông Nam Á là thành viên của ASEAN. Giao thông vận tải và thương mại nội khối và ngoại khối ngày càng phát triển đã tạo ra hiệu ứng “kinh tế phát triển theo quy mô” trong khu vực. Trong đó, thúc đẩy ngành Logistic phát triển sẽ góp phần giúp kinh tế Đông Nam Á trở nên thịnh vượng hơn./.
Bài: VNP - Ảnh: TTXVN
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/dong-luc-tang-truong-nganh-logistics-o-dong-nam-a-327495.html