Độc đáo nghi thức rước nước trong Lễ hội làng Bát Tràng
Năm 2025, làng gốm Bát Tràng của Việt Nam chính thức là thành viên của Làng nghề thủ công sáng tạo Thế giới. Hòa chung niềm vui đó, Lễ hội làng gốm Bát Tràng năm nay đã được lan tỏa và vươn xa ra ngoài không gian làng quê. Ấn tượng nhất của Lễ hội làng gốm Bát Tràng là nghi thức rước nước để tế tại đình làng cổ Bát Tràng nhằm tưởng nhớ công lao đức tổ nghề, tự hào về nghề gốm truyền thống cha ông truyền lại, gửi gắm ước vọng cầu cho quốc thái dân an, sự hòa bình, an vui cho quê hương, đất nước.
Chúng tôi đã nhiều lần đến với Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng nhưng năm 2025 là một dịp đặc biệt khi chúng tôi được trải nghiệm nghi thức rước nước làng Bát Tràng đúng thời điểm trời mưa. Có lẽ duyên tình trời đất gặp nhau, mưa Xuân đã làm cho hội làng như thêm lộc xuân và nồng ấm tình cảm người dân quê với du khách bốn phương về trẩy hội.
Rước nước là nghi thức quan trọng và đặc biệt nhất của Lễ hội làng Bát Tràng và ai đến với lễ hội này đều mong muốn được trải nghiệm. Trong sáng 14-2 âm lịch, dân làng Bát Tràng nô nức tụ hội dâng lễ Tam sinh (gồm trâu, dê, lợn). Trong tiếng trống rộn rã, những đoàn rước Kiệu gồm những thanh niên trẻ, khỏe của làng sẽ thực hiện chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ.
Đình làng cổ Bát Tràng nằm bên cạnh dòng sông Hồng, con sông không chỉ gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây trong giao thương, sinh hoạt mà còn là minh chứng của những nét đẹp văn hóa lễ hội lâu đời. Nghi thức này được thực hiện trang nghiêm trên thuyền giữa sông Hồng mênh mông. Ba chiếc thuyền được trang hoàng rực rỡ cờ, hoa, người dân mặc quần áo lễ hội cùng với kiệu, phướn, các lễ vật... đi xuống thuyền và thực hiện những nghi lễ tế thần sông trên thuyền. Chủ tế lễ sẽ dâng lên thần sông những sản vật của làng quê rồi đại diện cho nhân dân xin nước thiêng. Nước thiêng luôn là dòng nước tinh khiết ở giữa sông Hồng. Khi thuyền đi ra giữa giữa sông Hồng, người dân sẽ múc nước qua tấm vải đỏ rồi đổ vào chum gốm rước về Đình cổ Bát Tràng. Những chum nước này sẽ dùng để cúng, lễ quanh năm tại Đình.
Những chiếc thuyền Rồng với sắc cờ bay trong gió, từng sản vật và hoa thơm được bày biện nghệ thuật đẹp mắt như thể hiện niềm trân trọng thiêng liêng và tự hào của người dân khi thực hiện nghi lễ xin nước thiêng Sông Hồng. Những người con của làng quê Bát Tràng trên thuyền đều thể hiện tấm lòng của mình trước thần sông và tự nhủ bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng nước sạch để nuôi dưỡng nét đẹp văn hóa của Lễ Rước nước một năm chỉ có một lần trên quê hương mình.
Nói về ý nghĩa và câu chuyện văn hóa của nghi thức rước nước trong Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng năm nay, ông Nguyễn Đức Khoa - Thành viên Ban tổ chức cho biết: Khi tôi lớn lên thì đã tham gia các lễ hội rước nước của làng rồi. Mỗi lần tham gia Hội làng thì chúng tôi đều có những cảm xúc khó tả. Làng Bát Tràng với truyền thống làm gốm lâu đời, chúng tôi đã trải qua nhiều thăng trầm của làng nghề nhưng giữ được nếp nhà, giữ nghề luôn là trách nhiệm của mỗi người dân. Nghi thức rước nước được nhân dân trong làng làm rất cẩn thận và tôn kính. Đó là tấm lòng nhớ ơn cội nguồn, tổ tiên để mong sao mỗi năm trong làng kinh tế đều phát triển, các con em mình đều học giỏi, làng có nhiều nghệ nhân...
Đến với Bát Tràng ngày lễ hội, du khách không chỉ trải nghiệm nghi thức rước nước mà còn hòa mình vào các hoạt động văn hóa khác của hội làng như: Hội gốm, các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực làng Gốm, trải nghiệm làm gốm cùng các người thợ... từ đó khám phá những di sản văn hóa của làng quê đã và đang được bảo tồn, phát triển./.
Bài: Trần Vân, ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/doc-dao-nghi-thuc-ruoc-nuoc-trong-le-hoi-lang-bat-trang-395142.html