Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc

Điện Biên Phủ - trung tâm du lịch mới của vùng Tây Bắc

70 năm trước, cái tên Điện Biên Phủ hiện lên chói lọi trên bản đồ thế giới với chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (07/05/1954 - 07/05/2024). Ngày nay, thành phố Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên được biết đến như một trung tâm du lịch mới nổi của vùng Tây Bắc với thế mạnh về du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Di tích hệ thống hào giao thông và lô cốt rất chắc chắn do quân Pháp xây dựng trên đồi A1. Ảnh: Trịnh Bộ/Báo ảnh Việt Nam

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi khi trở lại Điện Biên đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ nằm trong khu rừng già ở xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ. Tại đây, du khách được tận mắt nhìn thấy căn lán đơn sơ dùng làm nơi ở và làm việc hàng ngày của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán làm việc của Bộ Tổng tham mưu, nơi các tướng lĩnh chỉ huy họp bàn để đưa ra những quyết định mang tính lịch sử về Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

 

Rời cánh rừng Mường Phăng chúng tôi chạy xe máy theo quốc lộ 279, một bên là đường đèo núi một bên là vực sâu hướng ra sông Nậm Rốm. Đây chính là một trong những con đường kéo pháo lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp tục xuôi theo quốc lộ 279 đến cửa ngõ thành phố Điện Biên, chúng tôi vào thăm di tích Him Lam. Trên đỉnh đồi nghiêng theo bóng nắng và rợp bóng hoa ban, từng đoàn du khách lặng lẽ, kính cẩn thắp những nén hương thơm tưởng nhớ tấm gương hi sinh anh dũng của anh hùng Phan Đình Giót và hàng trăm chiến sĩ đã không tiếc máu xương làm nên chiến thắng Him Lam, đánh bại cụm đề kháng vòng ngoài kiên cố nhất của quân Pháp. 

Toàn cảnh Di tích Đồi A1 (quân Pháp gọi là cứ điểm Elian 2) nằm cạnh quốc lộ 279 (nay là đường Võ Nguyên Giáp)
thuộc phường Mường Thanh - thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hoàng Hà/Bảo ảnh Việt Nam 

Từ khu di tích Him Lam, chúng tôi đi tiếp theo con đường mới mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Con đường chạy qua trung tâm thành phố và hướng thẳng lên cửa khẩu quốc tế Tây Trang giáp với biên giới nước bạn Lào. Trên tuyến đường này có nhiều cụm di tích lịch sử nổi tiếng như: Tượng đài Chiến thắng, Quảng trường 7/5, Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1, đồi D1, đồi A1, cầu Mường Thanh, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tại di tích đồi A1, từng đoàn người đã dừng lại rất lâu bên miệng hố bộc phá khổng lồ bên đỉnh đồi. Đây là một điểm cao có vị trí quan trọng bảo vệ trung tâm Mường Thanh, án ngữ đường vào hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát (Chistian de Castries, 1902-1991). Qua 39 ngày đêm kiên cường “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” bộ đội ta đã đào một đường hầm xuyên núi để đặt khối thuốc nổ nặng gần 1 tấn đánh sập một phần công sự phòng ngự của địch và hạ gọn cứ điểm này, góp phần quan trọng cho thời khắc lịch sử khi lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

70 năm đã trôi qua, tháng Năm lại về với hình ảnh những cánh rừng hoa ban bung nở bạt ngàn bên những miệng hố đạn bom còn sót lại như muốn nói rằng chiến tranh đã lùi xa và Điện Biên hôm nay đang vươn lên căng tràn nhựa sống.

Du khách tham quan Di tích Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ,
thuộc phường Mường Thanh, Tp. Điện Biên Phủ. Ảnh: Trịnh Bộ/Báo ảnh Việt Nam

 

Du khách và các cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước đến thăm khu vực lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
tại Sở chỉ huy ở Mường Phăng (nay thuộc Tp. Điện Biên Phủ). Ảnh: Trịnh Bộ/Báo ảnh Việt Nam
Các cựu chiến binh bồi hồi xúc động khi lần đầu tiên đến thăm căn hầm chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Mường Phăng.
Ảnh: Trịnh Bộ/Báo ảnh Việt Nam

Điện Biên là mảnh đất có thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, khí hậu trong lành; có lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc; là nơi hội tụ tinh hoa của vùng Tây Bắc. Đây là những tiềm năng, thế mạnh quan trọng giúp Điện Biên có thể bứt phá trong phát triển du lịch, vươn lên mạnh mẽ trở thành trung tâm du lịch của Tiểu vùng Tây Bắc dựa trên ba trụ cột chính là: du lịch lịch sử - tâm linh văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Thung lũng Mường Thanh, trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm xưa, nay đã trở thành cái nôi bảo tồn và phát huy di sản múa xòe của cộng đồng dân tộc Thái, thu hút hàng nghìn du khách đến với Điện Biên mỗi ngày. Đêm đêm, trong những buổi múa xòe, người Thái ở Mường Thanh thường cùng nhau hát: “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Cô gái Thái Lò Thị Bưởi ở bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, Tp. Điện Biên Phủ) tâm sự: “Người Thái chúng em không biết điệu xòe có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi lớn lên cô gái nào cũng được học múa xòe. Không cuộc vui hay lễ hội nào mà người Thái ở Mường Thanh chúng em lại không múa xòe”. 

Từ đời này qua đời khác, những điệu xòe Thái tồn tại và phát triển mạnh mẽ và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021. Ngày nay, xòe Thái trở thành đặc sản văn hóa của các bản du lịch cộng đồng ở Điện Biên.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa xòe Thái kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là hướng đi độc đáo của tỉnh Điện Biên. Từ 08 bản thí điểm làm du lịch cộng đồng ban đầu vào năm 2003, đến nay mô hình này đã được nhân rộng trên khắp các huyện của tỉnh. Những mô hình thành công nhất có thể kể đến như ở bản Che Căn, bản Phiêng Lơi, bản Nà Sự. 
Bản Che Căn thuộc xã Mường Phăng, cách trung tâm tỉnh Điện Biên chừng 30 cây số, có gần 100 hộ dân với hơn 430 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Thái. Người dân bản Che Căn đang sở hữu và bảo tồn một kho tàng văn hóa Thái cổ ít nơi có được như: kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội và đặc biệt là múa xòe. Ngoài ra, còn có các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống. Cùng với cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, bản Che Căn trở thành mô hình phát triển du lịch cộng đồng thành công nhất ở Điện Biên, là điểm đến thu hút khách du lịch trong, ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng.

 

Điện Biên còn có nhiều danh thắng nổi tiếng như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ Thủy điện Sơn La, Đèo Pha Đin (một trong tứ đại đỉnh đèo hiểm trở nhất của Việt Nam, “tọa độ bom” trong chiến dịch Điện Biên Phủ).
Chính quyền Điện Biên đang tập trung triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế và trong khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc để hình thành các tour, tuyến du lịch quốc tế và theo vòng cung Tây Bắc. Hướng đi này cũng nhằm tận dụng lợi thế có sân bay Điện Biên Phủ, cảng hàng không dân dụng duy nhất của vùng Tây Bắc, kết nối Điện Biên với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Với những tiềm năng và lợi thế riêng có, năm nay tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia gắn với kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Điểm nhấn của Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 là các sự kiện lễ hội lớn cấp quốc gia như: Lễ hội hoa ban năm 2024; Lễ kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên…
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, năm nay tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu khoảng 2.200 tỉ đồng. Đến năm 2025, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đón hơn 1,45 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh hơn 2.380 tỉ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP bình quân của tỉnh.

  • Bài: Trần Hiếu
  • Ảnh: Trịnh Bộ, Trần Hiếu, Hoàng Hà/Báo ảnh Việt Nam, TTXVN và Xuân Tư
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung


Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/dien-bien-phu-trung-tam-du-lich-moi-cua-vung-tay-bac-366429.html


top