Đánh thức âm thanh từ gốm
Lần đầu tiên tại Việt Nam, những chiếc chum, vại, niêu đất... vốn là vật dụng thân thuộc trong đời sống người Việt lại cất lên âm thanh của những bản nhạc không chỉ để nghe mà để cảm. “GOm Show”, dự án mới nhất của nhóm nghệ sĩ Đàn Đó đã biến gốm thành nhạc cụ, biến sân khấu thành bàn xoay văn hóa và biến mỗi đêm diễn thành một hành trình cảm xúc đi qua những tầng sâu bản sắc Việt.
“GOm Show” không đơn thuần là một chương trình biểu diễn. Đó là kết quả của hơn một thập kỷ nghiên cứu, sáng tạo và thử nghiệm của những nghệ sĩ chọn đi con đường nghệ thuật độc bản từ chất liệu bản địa. Từ tre nứa đến đất sét, từ bàn tay đến tâm hồn, họ đã tạo nên những nhạc cụ không giống ai, và nay họ kể chuyện bằng âm thanh của đất.
Trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 28–29/6, khán giả không chỉ nghe mà còn cảm nhận bằng cả thính giác lẫn thị giác. Những chum, vại, trống lãng, trống chum, đàn niêu, gốm xoay… – tưởng như thô mộc, lại phát ra những âm thanh vừa nguyên sơ, vừa siêu thực, vừa mộc mạc mà cũng đầy chất thơ. Mỗi thanh âm là một tiếng vọng từ đất, từ đời sống, từ tâm thức cộng đồng.
“GOm Show” được chia làm nhiều chương với 8 tác phẩm như một vòng đời: Quay về, Thời đó, Xuôi dòng, Tìm Hani, Gôm… Mỗi chương là một mảnh ký ức văn hóa, một tiếng nói riêng đến từ các cộng đồng M’nông, Ê Đê, Tày, Lô Lô, Hà Nhì… Kết hợp giữa nhạc cụ dân gian, nhạc cụ chế tác và thủ pháp biểu diễn hiện đại, chương trình dẫn dắt khán giả đi qua những không gian âm thanh đa tầng nơi văn hóa bản địa ngân vang bằng ngôn ngữ đương đại.
Không có lời dẫn, không có giọng kể, “GOm Show” chỉ có âm thanh và chuyển động. Mỗi tiết mục là một biểu tượng về vòng quay của tạo hóa, về mạch chảy của văn hóa, và về sự kết nối giữa đất và người. Chiếc bàn xoay gốm trên sân khấu trở thành hình ảnh trung tâm, như trục chuyển mình của văn hóa truyền thống trong thời đại mới.
Những nhạc cụ được nhóm Đàn Đó sáng tạo từ gốm không chỉ mang chức năng phát âm mà còn mang linh hồn. Trống chum kết hợp giữa chum sành và săm xe tạo âm trầm như tiếng vọng của đại ngàn. Trống lãng hình tròn như bánh dày, âm thanh mềm và sâu như tiếng đất thở. Gốm xoay xoay tay trên miệng gốm tạo nên hiệu ứng ngân vang đầy mê hoặc. Đàn niêu, chuông sành, chiêng đất, mỗi chiếc là một bản thể âm thanh riêng biệt, không cái nào giống cái nào.
Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh chia sẻ: “Âm nhạc của Đàn Đó bắt đầu từ sự phức tạp nhưng đi về phía tối giản. Chúng tôi giữ nguyên hình dạng vật thể, không gắn thêm gì cả. Để âm thanh phát ra đúng như chính nó bản nguyên, chân thực để khán giả cảm văn hóa bằng tinh thần của nó. Âm thanh là thứ đánh động sâu nhất vào tiềm thức con người. Và âm thanh từ gốm là tiếng đất ngân vang.”
Với “GOm Show”, nhóm Đàn Đó đã tạo nên một “bước ngoặt mềm” cho âm nhạc Việt Nam vừa giữ vững chất liệu truyền thống, vừa bước đi táo bạo trên con đường đương đại. Họ không làm mới truyền thống bằng cách vay mượn yếu tố phương Tây, mà sáng tạo từ chính gốc rễ văn hóa Việt với sự bền bỉ, tinh tế và tôn trọng sâu sắc.
Nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn cho biết “GOm Show không đặt mục tiêu trình diễn một di sản mà để người xem bước vào, lắng nghe, và kết nối. Nó như một nghi lễ thiền định, nơi mọi thứ đều mềm lại ánh sáng, nhịp thở, nhạc cụ, và cả cảm xúc.”.
Trong dòng chảy nghệ thuật hôm nay, khi mọi thứ trở nên quá nhanh với nhịp sống hối hả, thì “GOm Show” xuất hiện như một khúc ngân dịu âm thanh của gốm, của đất, của hồn Việt. Và hơn hết, đó là tiếng nói của những người nghệ sĩ không chỉ giữ lửa mà làm cho ngọn lửa ấy cháy lên bằng cách riêng của mình. Có lẽ bởi vậy mà sau hai đêm công diễn, nhiều khán giả đã thực sự xúc động.
Em cũng là người gắn bó với nhạc cụ dân tộc khá lâu rồi nhưng hôm nay được xem chương trình thì nó vô cùng thú vị bởi nó mang rất nhiều yếu tố dân gian, rất đời thường lên sân khấu. Và khi xem không khỏi những cảm xúc bất ngờ khi lắng nghe những giai điệu từ những nhạc cụ được làm từ gốm. Rất mong những show như này được mang ra thế giới.”.
“GOm Show” sẽ tiếp tục được trình diễn định kỳ tại Hà Nội và kỳ vọng mở rộng ra quốc tế. Có thể nói, đây không chỉ là một chương trình biểu diễn mà còn mang sứ mệnh kể chuyện văn hóa Việt bằng âm nhạc của đất./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/danh-thuc-am-thanh-tu-gom-401493.html