Đại tượng Phật cao nhất Đông Nam Á ở Hà Nội

Đại tượng Phật cao nhất Đông Nam Á ở Hà Nội

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 40 km, chùa Khai Nguyên thuộc xã Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội (còn được gọi là chùa Tản Viên) là một ngôi chùa cổ có niên đại lịch sử từ thời nhà Lý (nửa đầu thế kỉ XI). Tại đây, có đại tượng Phật mới được xây dựng theo quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ trước đến nay với chiều cao lên tới 72m. 

Toàn cảnh khuôn viên chùa Khai Nguyên với pho đại tượng Phật A Di Đà cao 72m. Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam

Trải qua nhiều thế kỷ không có trụ trì chăm nom, ngôi chùa xuống cấp, phần lớn đất chùa được cắt cho nhân dân canh tác. Đến năm 1990, chùa Khai Nguyên xuống cấp trầm trọng và gần như trở thành phế tích. Được sự đồng thuận của người dân và các cấp chính quyền, đến năm 2003, Đại đức Thích Đạo Thịnh đã về trông nom và từ đó tu bổ, cải tạo, xây dựng lại chùa Khai Nguyên để đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, cũng như tín đồ phật tử thập phương.

Khoảng sân rộng trước khi tiến vào chiêm bái. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam

Năm 2015, Đại đức Thích Đạo Thịnh bắt đầu cho dựng pho đại tượng Phật A Di Đà, với thông điệp vì hòa bình thế giới. Toàn bộ phần đế tượng là một khối nhà cao tầng với nhiều công năng. Pho đại tượng phật cao khoảng 72m (được ghi nhận là cao nhất Đông Nam Á), phần đế rộng hơn 1.200m2, được xử lý bằng công nghệ ép cọc bê tông dự ứng lực nên rất vững chắc.


Mặc dù được xây thêm rộng rãi, khang trang trên nền móng chùa cũ và được tôn tạo lại, nhưng phong cách kiến trúc của chùa vẫn mang dấu ấn kim cổ rất đặc sắc mà không mất đi giá trị lịch sử. Vì thế có thể nói, chùa Khai Nguyên là nơi kim cổ giao hòa. Các gian thờ chính được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ”, cuối là Tăng đường cùng tả vu, hữu vu, tháp Báo Ân, gác chuông, gác trống…

Phía trước chùa là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh như ngọc. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng hình dáng chùa Một Cột. Đây là gian thờ Địa Tạng Vương Bồ tát, nơi có bộ kinh Địa tạng quý, thu hút sự quan tâm của nhiều Phật tử.


Với lối kiến trúc độc đáo cùng quy mô hoành tráng, chùa Khai Nguyên đã trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ với các du khách khi tới xứ Đoài. Không chỉ là một nơi để mọi người tới vãn cảnh và cầu phúc, đây còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động Phật Giáo có ý nghĩa.

Bên trong đại tượng Phật tại chùa Khai Nguyên có trái tim được tạc bằng chất liệu ngọc bích Nephine Canada nguyên khối, trọng lượng nặng hơn 1 tấn. Ngoài ra, chùa Khai Nguyên còn thu hút du khách bởi hệ thống tượng Phật gồm 1.975 pho lớn nhỏ trong gian Tam bảo, tạo nên hình thái kiến trúc độc đáo.


Đặc biệt, chùa Khai Nguyên còn lưu giữ một số di vật có giá trị lịch sử như: Hai tấm bia đá có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (năm 1759) và Gia Long thứ 14 (năm 1815), 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức thứ 22 (năm 1870). Đây là nguồn sử liệu quý cho thấy những giá trị văn hóa – lịch sử của chùa Khai Nguyên.

Không chỉ đến chùa vui an lạc, cầu bình an., hàng năm vào dịp hè chùa thường tổ chức khoá tu mùa hè thu hút một lượng lớn tăng ni phật tử cũng như mọi người ở khắp mọi nơi. Trong suốt 1 tháng mọi người cùng kết nối, học hỏi những điều hay lẽ phải để hướng thiện, tận hưởng thiên nhiên trong lành cùng chơi trò chơi, cắm trại,.../.

Phía trước chùa là một hồ nước lớn hình chữ nhật, quanh năm nước xanh tạo không khí thoáng đãng cho không gian chùa Khai Nguyên. Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
 

Du khách có thể đến chùa bằng nhiều phương tiện như xe bus (tuyến 74).

Nếu đi xe máy hoặc ô tô riêng, du khách đi về hướng ĐCT08 qua Nguyễn Trãi, hầm chui Trung Hoà. Đến nút giao đường 80 rẽ phải đi Thạch Thất/Quốc Oai, qua ĐT419 là đến Quốc lộ 32. Từ đây rẽ vào ĐT82 đi thẳng đến Cao Sơn, tiếp tục chạy thêm 2km nữa là bạn đã đến chùa Khai Nguyên.

Hiện tại chùa Khai Nguyên không thu vé tham quan, và du khách cũng không phải mất bất cứ chi phí gì khi vào chùa.

 Bài: Công Đạt - Ảnh: Khánh Long, Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/dai-tuong-phat-cao-nhat-dong-nam-a-o-ha-noi-331493.html


top