Đặc sắc dòng gốm Biên Hòa
Làng gốm Biên Hòa nằm ven sông Đồng Nai thơ mộng với hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng với 2 làng gốm lớn nhất đó là làng gốm Tân Vạn và cụm gốm Trường Mỹ thuật thực hành Biên Hòa đến này vẫn còn tồn tại và phát triển hưng thịnh. Chính nơi đây là nơi bắt nguồn của các làng gốm phương Nam nổi tiếng như gốm Bình Dương, gốm Thủ Đức…
Thế kỷ XVII, những lưu dân người Việt và người Hoa vào khai khẩn đất Đồng Nai và những thợ gốm định cư ở Cù lao Phố đã lập nên các lò gốm sản xuất các sản phẩm chủ yếu là: lu, khạp, ghè ống, tiểu sành…Một số địa danh như: bến Miểng Sành, rạch Lò Gốm ở Cù lao Phố cho thấy nghề làm gốm đã có ở nơi đây.
Các sản phẩm gốm Biên Hòa rất đa dạng về thẩm mỹ bởi cách thể hiện và tài hoa của mỗi nghệ nhân là khác nhau. Có người ảnh hưởng từ nghệ thuật gốm ngoài Bắc, có người Hoa người Khơ me ở tứ xứ nên làm gốm càng đa dạng hơn từ các hoa văn, hình ảnh.
Để có được nét đặc trưng của dòng gốm Biên Hòa phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Kỹ thuật pha chế men là khâu rất quan trọng vì chính khâu này sẽ quyết định màu sắc trên sản phẩm. Chấm men cũng là khâu quan trọng, phải làm quen và đều tay, nếu không, khi nung sản phẩm sẽ bị méo mó, biến dạng. Chất liệu men cũng quan trọng chẳng kém. Gặp phải men xấu sẽ bị ảnh hưởng đến tính mỹ thuật của sản phẩm. Vì vậy, các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ hơn thua nhau không những về mẫu mã mà còn về nước men. Chính vì vậy mà mỗi lò gốm đều giữ bí mật của riêng mình về kỹ thuật pha chế men gốm. Ngoài ra, khâu nung cũng là khâu quan trọng vì nó quyết định sự thành bại của cơ sở. Thợ nung phải là người dạn dày kinh nghiệm, họ xác định được nhiệt độ bằng mắt rất chính xác và từ đó điều tiết nhiệt độ một cách thích hợp trong lò nung.
Em Hứa Thiên Phúc (18 tuổi) thế hệ tiếp nối của lò gốm cổ Phong Sơn tại Tân Vạn, Biên Hòa cho biết: “Nghề gốm là nghề truyền thống của gia đình, thì em muốn lưu giữ lại truyền thống gia đình mình và tiếp nối phát triển lên cho nhiều người biết tới dòng gốm Biên Hòa hơn, cái nghề làm gốm này phải thực sự tỉ mỉ, chính xác vì vậy em đã phải thực hành và trải nghiệm rất là nhiều thời gian, em bỏ ra công sức rất là dài và được các cô, chú đi trước chỉ dạy rất nhiều nên từ khi 6 tuổi em đã bắt đầu biết nặn và vuốt gốm”.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về gốm Biên Hòa, để có được màu men xanh đồng trổ bông, ban đầu những nghệ nhân sử dụng chất liệu đất sét vùng Sông Bé, đá trắng An Giang, vôi Càn Long, cùng với tro rơm, tro củi, tro trấu, thủy tinh, mạt đồng, bột màu để tạo nên sắc màu riêng của gốm Biên Hòa.
Dòng gốm Biên Hoà không chỉ là những giá trị lịch sử hào hùng mà đó còn là "di sản văn hoá” về một thời vàng son của vùng đất Nam bộ xưa./
- Bài và ảnh: Thông Hải
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/dac-sac-dong-gom-bien-hoa-381863.html