Đà Nẵng mùa hoa vàng và voọc chà vá chân nâu
Hằng năm, cứ vào độ từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch, rừng trên bán Sơn Trà ở Đà Nẵng lại rực vàng màu hoa lim xẹt, và đây cũng là thời kì cây rừng sinh trưởng tốt, cây cối ra nhiều lộc non nên thu hút các loài động vật ăn lá đi kiếm ăn, đặc biệt là voọc chà vá chân nâu, loài động vật tuyệt đẹp được ví là "nữ hoàng linh trưởng"...
Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) thuộc nhóm khỉ ăn lá, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn ăn thêm quả hoặc hạt tùy theo mùa khác nhau. Các nghiên cứu tại bán đảo Sơn Trà cho thấy voọc ăn hơn hơn 87% là lá, trong đó hơn 66% là lá non; quả và hạt chiếm 10.2% tổng thành phần thức ăn, còn lại là một ít hoa, vỏ cây hoặc cuống lá.
Voọc chà vá chân nâu thường chỉ sinh sống, di chuyển trên các tầng tán cây trong rừng nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn đi xuống đất để uống nước hoặc ăn đất để bổ sung thêm chất khoáng.
Voọc chà vá chân nâu là một loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm, chỉ sinh sống tại khu vực Đông Dương, được xếp hạng nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN thế giới. Theo Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tại Sơn Trà, Đà Nẵng, hiện có khoảng hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu đang tồn tại ngoài tự nhiên và đây cũng chính là quần thể lớn nhất, bền vững nhất hiện nay của loài này.
Tùy theo vùng miền mà voọc chà vá chân nâu có nhiều tên gọi khác nhau. Ví dụ như khỉ bảy màu, khỉ chú lính, khỉ giáo hoàng, con giấu đầu hở đuôi, con dọc, hoặc con hoa… Sở dĩ có nơi gọi nó là con giáo hoàng vì nó có bộ lông màu sặc sỡ và quyền quý; hoặc người nơi gọi là khỉ bảy màu vì bộ lông của nó có đến 7 màu sắc khác nhau; hoặc ít gọi hơn là cái tên khỉ chú lính vì trên đầu nó có vành lông màu đen trông như cái mũ bê rê của chú lính; thậm chí có nơi còn gọi là con "giấu đầu hở đuôi" vì khi lũ voọc thấy người thường hay lấy cành lá che mặt nhưng lại để lộ mấy cái đuôi đu đưa lòng thòng trông rất ngộ nghĩnh và dễ nhận thấy.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các đàn voọc chà vá chân nâu trên Sơn Trà hiện đều có con non, thậm chí có những đàn lớn còn có tới vài con non. Điều đó cho thấy voọc sinh trưởng và thích nghi tốt với môi trường ở khu vực này.
Các nghiên cứu giải mã gene gần đây đã xác định được lịch sử hình thành loài voọc chà vá chân nâu cách đây hơn 1 triệu năm và cho thấy loài này có mối quan hệ gần với loài voọc chà vá chân xám hơn là loài voọc chà vá chân đen.
Loài voọc chà vá chân nâu được mô tả và đặt tên lần đầu tiên vào năm 1771 bởi nhà khoa học Linnaeus với tên gọi là Simia nemaeus. Khi đó, loài này được ghi nhận ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam và núi Chư Mom Rây của tỉnh Kon Tum. Tại bán đảo Sơn Trà, quần thể voọc chà vá chân nâu được phát hiện từ những năm 1969 bởi Van Peenen và các cộng sự.
Các kết quả ghi nhận từ thực tế tại các khu rừng tự nhiên cho đến các khu cứu hộ động vật đều ghi nhận voọc chà vá chân nâu có thể sinh sản quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm sinh sản cao nhất trong năm thường là mùa khô vì có thể có liên quan đến sự dồi dào của nguồn thức ăn và điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của con non.
Voọc chà vá chân nâu là nhóm động vật hoạt động ban ngày và sống chủ yếu trên cây. Các gia đình voọc thường lựa chọn các cây cao, to, tán dày để ngủ và đặc biệt chúng không bao giờ ngủ trong các hang hoặc vách đá. Các cây thường được chọn làm chỗ ngủ thường ở vị trí khuất gió và chúng sẽ quay trờ lại ngủ ở đó nhiều lần.
Về đời sống xã hội, voọc chà vá chân nâu sống theo từng gia đình riêng lẻ với duy nhất 1 con đực trưởng thành, 2-3 con cái (vợ), và những đứa con. Thỉnh thoảng nhiều gia đình có thể tập trung lại với nhau thành một đàn lớn lên đến hơn 50 cá thể.
Tại Sơn Trà, việc bảo tồn tốt quần thể voọc chà vá chân nâu không chỉ làm giàu cho hệ sinh thái đặc biệt của khu bảo tồn này mà còn tạo sức hấp dẫn đối với lĩnh vực du lịch khám phá thiên nhiên hoang dã bên cạnh các hoạt động du lịch biển vốn là thế mạnh của địa phương/.
- Bài, ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/da-nang-mua-hoa-vang-va-vooc-cha-va-chan-nau-392747.html