Chuyện về một gia đình nhiếp ảnh

Chuyện về một gia đình nhiếp ảnh

 

Cố nhà báo, NSNA Võ An Khánh đã ghi lại hàng vạn bức ảnh từ nhiều vùng miền của đất nước, trong đó có hơn ngàn khoảnh khắc thời “hoa lửa” khi làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường trong những năm dài kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Người trong giới nhiếp ảnh hay nói rằng, quê hương Cà Mau - Bạc Liêu nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung thật tự hào khi có được Cố NSNA Võ An Khánh. Ông là bậc tiền bối có nhiều đóng góp đáng trân trọng cho nhiếp ảnh khu vực và Việt Nam.

 

Tôi được trở thành một nhà báo, nghệ sĩ như ngày nay là nhờ Đảng. Đảng như “một người cha, người mẹ” đã nuôi dạy, giáo dục tôi lòng tin và sức sống mãnh liệt. Điều thứ hai là nhờ sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào. Đặc biệt là những bằng khen, những bức ảnh như còn lấp lánh những hình ảnh của các bà mẹ, các chị, các em những người đã giúp tôi sống chiến đấu và tồn tại”

Cố NSNA Võ An Khánh

 

Hơn thế, khi đến với bộ ảnh được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 - người xem sẽ bị lôi cuốn vào các cung bậc cảm xúc. Từ bùi ngùi xót xa, thưởng cảm, ngưỡng vọng, khâm phục rồi đến tựu trung thành niềm tự hào đối với người phụ nữ Việt Nam ta, dân tộc ta. “Họ đã hóa thành dáng đứng Việt Nam xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Bác Hồ đã dành tặng trong lời giới thiệu bộ ảnh của Cố NSNA Võ An Khánh.

Trung đội Phó Đội nữ pháo binh Cái Nước Huỳnh Thị Dung cùng đồng đội trên đường hành quân ra trận 3/1973. Ảnh: Cố NSNA Võ An Khánh

 

Xuất thân là “con nhà nòi” nên từ nhỏ Kim Cương đã “mê” máy ảnh, thích ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Chính vì vậy nên sau khi học xong, chị xin vào công tác tại Báo ảnh Đất Mũi để được dấn thân, được sống với niềm đam mê của riêng mình.

 

 Đến năm 2012, chị đạt được giải thưởng đầu tiên với tác phẩm “Du xuân”. Chị tâm sự: “Lúc hay tin mình đạt giải, tâm trạng cứ lâng lâng hạnh phúc. Cái tâm trạng ấy nó rất đặt biệt và khó tả. Nhưng có lẽ người vui nhất không phải là tôi mà là cha tôi. Vì từ nay cha đã có người kế thừa”.

 

Từ đó, bất cứ chuyến thực tế sáng tác nào, bất kể nơi đâu từ Nam ra Bắc đều thấy Kim Cương xuất hiện. Rất nhanh, các cuộc thi ảnh từ cấp tỉnh, khu vực, quốc gia, quốc tế đều có tác phẩm của Kim Cương. Điều đó chứng minh cho phát ngôn của chị: “Nghệ thuật thì không có sớm hay muộn, khỏe hay yếu, trẻ hay già. Nghệ thuật cần một tình yêu trong sáng, một đam mê đích thực và cả một sự cống hiến hết mình”.

 

Điều thú vị mà chúng tôi cảm nhận được từ tác phẩm của NSNA Kim Cương đó là sự giao thoa, hài hòa giữa hai quan niệm, phong cách nghệ thuật được cảm thụ, thẩm thấu và vận dụng sáng tạo từ Cố NSNA Võ An Khánh với đề tài, tình cảm dành cho phụ nữ và chất đời thường, gần gũi, bình dị vốn có ở NSNA Đặng Anh Rô. 

Được cha vợ - Cố NSNA Võ An Khánh “truyền lửa” hướng dẫn tỉ mỉ, chia sẻ không ít kinh nghiệm quý giá nên NSNA Đặng Anh Rô (chồng của NSNA Võ Thị Kim Cương) không mất quá nhiều thời gian để đạt được thành công trong sự nghiệp. Từ Báo Ảnh Đất Mũi (1982), Báo Minh Hải (1983), Báo Bạc Liêu (1997), người phóng viên ấy vẫn miệt mài, rong ruổi khắp nơi ghi lại những khoảng khắc của cuộc sống.

Anh quan niệm: “Mỗi nhà báo hay văn nghệ sĩ muốn thành công cần có một phong cách riêng. Nói theo cách khác là cái “chất”. Chất từ bên trong mỗi con người cho đến bộc phát, hòa tan vào trong tác phẩm của mình”.

 

Chúng tôi nhận thấy ở tác phẩm của NSNA Đặng Anh Rô là cái “chất thuần phác”, chất nông dân, chất lao động mang đậm hơi thở cuộc sống thường nhật, qua mỗi giai đoạn, hoàn cảnh xã hội… Luận bàn về vấn đề này, sinh thời Cố NSNA Võ An Khánh cũng rất đồng tình với chúng tôi. Ông cũng rất vui mừng vì NSNA Đặng Anh Rô chọn hướng đi đúng. Học ở ông nhưng không máy móc mà linh hoạt, sáng tạo. 

NSNA Đặng Anh Rô đã sớm tạo dấu ấn trong lĩnh vực nhiếp ảnh với: huy chương Bạc ĐBSCL năm 1993 với tác phẩm Tín hiệu hồi sinh, giải Nhất ảnh Nghệ thuật tỉnh Minh Hải 1995; giải Khuyến khích ĐBSCL 1996 với Bức tranh của người nông dân; giải Xuất sắc quốc tế năm 1995 tại Xri Lan-ca với Bức họa người nông dân; triển lãm ảnh toàn quốc năm 1998 với Được mùa... đồng thời bước chân vào làng nhiếp ảnh cả nước và hiện giữ cương vị Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Bạc Liêu./.

  • Nội dung:  Công Tâm
  • Ảnh:  Cố NSNA Võ An Khánh, NSNA Kim Cương, NSNA Đặng Anh Rô
  • Kỹ thuật, đồ họa:  Trang Nhung

 

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/chuyen-ve-mot-gia-dinh-nhiep-anh-324928.html


top