Chuyện người vẽ mặt nạ ở phố cổ Hội An

Chuyện người vẽ mặt nạ ở phố cổ Hội An

 

Nghệ thuật vẽ mặt nạ đã góp phần đưa Hội An trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO. Ảnh: Tư liệu của Trung tâm Văn hóa-Thể thao, Truyền thanh-Truyền hình Hội An

Ở khu di sản thế giới phố cổ Hội An có một nghệ nhân hơn 40 năm qua dành mọi tâm huyết và niềm đam mê cho nghệ thuật vẽ mặt nạ giấy bồi. Hàng nghìn chiếc mặt nạ mang đậm phong cách mặt nạ tuồng của ông đã đóng vai trò như những “sứ giả văn hóa” theo chân du khách đi khắp nơi để kể những câu chuyện thú vị về quê hương xứ Quảng. 

Nghệ nhân ấy là ông Bùi Quý Phong, một người đàn ông trạc tuổi thất tuần có khuôn mặt dữ dằn pha lẫn nét phong trần, lãng tử nhưng cũng thoáng chút gì đó ngồ ngộ, hóm hỉnh trông rất lạ.

Ông Phong làm nghề vẽ mặt nạ tính ra đến nay cũng đã hơn 40 năm. Hồi mới giải phóng ông kiếm sống bằng nghề làm đầu lân ấy thế mà đùng một cái ông lại rẽ bước qua làm thầy tuồng. Những tháng ngày ông theo chân gánh hát rong ruổi đó đây không chỉ để nuôi dưỡng giấc mơ đam mê hát bội mà còn để thỏa cái chí lãng du thích nay đây mai đó của mình.

 

Nghệ nhân Bùi Quý Phong - người có hơn 40 năm vẽ mặt nạ ở phố cổ Hội An. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Thế rồi nghề thầy tuồng cũng không giữ chân ông được lâu bởi cái máu đam mê vẽ lại hối thúc ông trở về. Ngày trở về, thay vì vẽ đầu lân như xưa ông lại vẽ mặt nạ giấy bồi. Hai việc ấy tưởng không ăn nhập gì nhau nhưng hóa ra lại có sự tương liên khá thú vị bởi kĩ thuật trang trí đầu lân và vẽ mặt nạ tuồng đều có nét giống nhau trong lối quy ước, lề luật chặt chẽ về đường nét, bố cục, màu sắc và đặc biệt là tính ước lệ cao.

Tại phố cổ Hội An, nghệ nhân Bùi Quý Phong mở một xưởng vẽ nhỏ lấy tên là “Mặt nạ thời gian” (The Timing Masks). Đây vừa là nơi ông sáng tác, vừa là nơi trưng bày giới thiệu và bán mặt nạ cho du khách.

 

Dù vẽ theo chủ đề gì thì những chiếc mặt nạ vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật mặt nạ tuồng. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Gian xưởng nhỏ nhưng luôn đông người đến xem và mua mặt nạ, nhất là du khách nước ngoài. Người ta đến với “Mặt nạ thời gian” phần vì sự tò mò về không gian ấn tượng của xưởng vẽ và cũng phần vì ông chủ xưởng tài hoa, vui tính luôn sẵn lòng chiều khách bằng cách có thể ngồi hàng giờ để nói chuyện về cái hay, cái lạ của nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng xứ Quảng.

Là người chịu sự ảnh hưởng sâu đậm của nghệ thuật tuồng, đặc biệt là nghệ thuật vẽ mặt diễn viên tuồng, nên nghệ nhân Bùi Quý Phong đã đem cảm hứng ấy vào kĩ thuật vẽ mặt nạ giấy bồi của mình. Vì thế, mặt nạ của ông dù vẽ theo chủ đề nào cũng đều mang đậm dấu ấn phong cách mặt nạ tuồng với lối vẽ mang tính ước lệ cao, đường nét, mảng miếng rõ ràng, minh bạch, màu sắc tuân thủ tuyệt đối theo quy tắc âm dương ngũ hành không vượt quá 5 gam màu chủ đạo là đỏ, đen, trắng, vàng đậm, xanh lá cây.

 

Những công việc thường ngày ở xưởng vẽ "Mặt nạ thời gian" của nghệ nhân Bùi Quý Phong. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Trong không gian xưởng vẽ của nghệ nhân Bùi Quý Phong, bên cạnh những chiếc mặt nạ tuồng chính thống được vẽ theo đúng lề luật xưa còn có rất nhiều mặt nạ được ông vẽ theo nhiều chủ đề khác nhau như hình ảnh gánh hàng rong, thiếu nữ, phong cảnh làng quê, di sản Hội An, tình yêu đôi lứa, chân dung, hoa lá, thậm chí cả những hình ảnh mang tính hiện đại, trừu tượng… nhưng tất thảy đều mang hơi hướng của kĩ thuật vẽ mặt nạ tuồng. Đó chính là cái tài của người nghệ sĩ khi muốn làm mới tác phẩm của mình để đáp ứng thị hiếu người chơi nhưng vẫn giữ được cốt cách, văn hóa của người Việt.

Nghệ nhân Bùi Quý Phong cho biết, nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng là lối vẽ truyền thống đặc trưng của người Việt, khác hẳn lối vẽ mặt nạ kinh kịch của Trung Quốc hay bất kì lối vẽ mặt nạ nào khác ở các nước trong khu vực.

 

Nghệ nhân Bùi Quý Phong với những chiếc mặt nạ độc bản của mình. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

“Mặt nạ tuồng Việt Nam chỉ dùng 5 màu, còn mặt nạ kinh kịch Trung Quốc có thể vẽ tới 8 hay 10 màu. Trong cách vẽ, các mảng màu của mặt nạ kinh kịch có thể hòa lẫn, chồng lấn lên nhau, còn mặt nạ tuồng thì mảng miếng màu sắc phân định rõ ràng, đường nét minh bạch.” – Nghệ nhân Bùi Quý Phong cho hay.

Điều thú vị trong lối vẽ mặt nạ của nghệ nhân Bùi Quý Phong là ông không đưa những hình ảnh, đường nét mang tính dữ dằn, ác hiểm vào trang trí. Thay vào đó ông luôn sử dụng những motip mang tính vui tươi, nhân văn, bởi ông muốn hướng con người đến với cái đẹp chân, thiện, mĩ - một vẻ đẹp luôn đem đến cho người chơi cảm giác yêu thương, yên bình và chứa đựng nhiều điều tích cực về cuộc sống.

Hơn 40 năm qua, từ đôi tay tài hoa của nghệ nhân Bùi Quý Phong, hàng nghìn chiếc mặt nạ đã ra đời, không chiếc nào giống chiếc nào, mỗi chiếc mặt nạ là một sản phẩm độc bản mang một câu chuyện riêng chuyên chở những điều nhân văn, tốt đẹp mà tác giả muốn gửi gắm đến người chơi với mong muốn ngày càng có thêm nhiều người hiểu về con người, văn hóa, di sản và cảnh sắc quê hương xứ Quảng của mình.

 

Xưởng vẽ "Mặt nạ thời gian" là điểm đến yêu thích của du khách khi đến với phố cổ Hội An. Ảnh: Thanh Hòa/Báo ảnh Việt Nam 

Nay tuy tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Bùi Quý Phong vẫn luôn cháy bỏng ngọn lửa đam mê như ngày nào. Ngoài thời gian làm việc ở nhà, ông còn đi nhiều nơi, đến với nhiều nước, nhiều cuộc hội thảo để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật vẽ mặt nạ của mình, đặc biệt là niềm vui được trao truyền cho lớp trẻ sự yêu thích về bộ môn nghệ thuật đặc sắc của quê hương, xứ sở. Với những đóng góp thầm lặng nhưng bền bỉ, lâu dài, nghệ nhân Bùi Quý Phong đã góp một phần sức của mình vào việc đưa di sản thế giới phố cổ Hội An trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian vào năm 2023./.

 

Bài: Thanh Hòa - Ảnh: Thanh Hòa & Tư liệu

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/chuyen-nguoi-ve-mat-na-o-pho-co-hoi-an-356485.html


top