Chuyển đổi số hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững

Chuyển đổi số hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững

Nắm bắt thời cơ trong thời đại số sẽ giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu. Chuyển đổi số cũng là chiến lược hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững, gắn kết chính trị, liên kết kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, bảo đảm duy trì vị thế trung tâm của châu Á năng động.

Hiện nay, ASEAN là một trong những khu vực mà kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đạt tổng giá trị giao dịch 218 tỷ USD trong năm 2023. Dự kiến quy mô nền kinh tế số tại khu vực sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2030, tỷ lệ tăng trưởng kép là 16%/năm.
Những nỗ lực chuyển đổi số giúp các quốc gia Đông Nam Á mở rộng thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế. Đặc biệt, khi hệ thống thanh toán xuyên biên giới khu vực đang triển khai tại 5 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore) được mở rộng liên kết toàn khu vực với tất cả 10 thành viên, sẽ giúp tăng cường hội nhập tài chính giữa các nước tham gia, đưa khối ASEAN đến gần hơn với mục tiêu gắn kết kinh tế. 

Các nhà sáng tạo nội dung bán hàng trực tuyến các sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Việc thanh toán dễ dàng và nhanh chóng có thể tăng cường thương mại và du lịch trong ASEAN. Theo ông Nico Han, nhà phân tích Đông Nam Á (tạp chí The Diplomat) cho biết: “Một hệ thống thanh toán kỹ thuật số xuyên biên giới thống nhất sẽ thúc đẩy ý thức về chủ nghĩa khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN trong quản lý các vấn đề quốc tế”.

ASEAN có hơn 400 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, dân số am hiểu công nghệ đang phát triển và lĩnh vực thương mại điện tử tạo ra hơn 100 USD tỷ USD vào năm 2023, tăng gấp 8 lần so với năm 2016. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), ASEAN được dự báo sẽ đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm lên tới 11,43% trong 5 năm tới, tương đương với các nước đã phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada. Doanh thu của thương mại điện tử khu vực đến năm 2027 có thể đạt mốc 175 tỷ USD. Hiện có hơn 7.000 công ty khởi nghiệp kỹ thuật số ở khu vực, 80% trong số đó có trụ sở tại Indonesia, Singapore hoặc Việt Nam.

Triển lãm hàng không Singapore 2024 đã ứng dụng công nghệ thông tin để các đội tham gia trình diễn đẹp mắt và ấn tượng. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Tọa đàm với doanh nghiệp ASEAN và các đối tác với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số” trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu. Một là, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng trong chuyển đổi số, kinh tế số trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ tự lực, tự cường, tự chủ của ASEAN trong chuyển đổi số. Ba là, thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong phát triển kinh tế số của ASEAN.

Theo HSBC, tại ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này đến năm 2025. Kinh tế số Việt Nam hiện được dẫn dắt bởi thương mại điện tử, du lịch trực tuyến và truyền thông trực tuyến. Với dự báo số người dùng điện thoại thông minh đạt 67,3 triệu vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng Internet, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho ngành công nghiệp số và cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành.
ASEAN hiện đang trong quá trình đàm phán thỏa thuận khung về số hóa nền kinh tế trong khu vực, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và đây sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy hợp tác kinh tế số trong Hiệp hội, nhất là phát triển ngành công nghệ thông tin, truyền thông; thúc đẩy số hóa các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị số, phát triển dữ liệu số.
Chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ mà còn là sự thay đổi sâu sắc mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện. Các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định vai trò tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và các nước đối tác trong chuyển đổi số, nhằm góp phần quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững, bao trùm của từng quốc gia thành viên ASEAN, khu vực và thế giới

  • Bài: Báo ảnh Việt Nam tổng hợp  
  • Ảnh: TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/chuyen-doi-so-huong-den-xay-dung-cong-dong-asean-ben-vung-371689.html


top