Bạc - một tương lai lấp lánh
Khi nhắc đến kim loại quý, hình ảnh những thỏi vàng lấp lánh có thể sẽ nhanh chóng hiện lên trong tâm trí bạn. Nhưng hãy dừng lại một chút để nhớ tới bạc – “người anh em” dễ thương và giá trị của vàng trong thế giới kim loại quý. Hẳn rằng còn nhiều điều bạn chưa biết về bạc.
Bạc bắt đầu được biết đến và sử dụng từ 3.000 năm trước Công nguyên ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Vào khoảng năm 1.200 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đại bắt đầu tinh chế và đúc tiền bằng bạc từ các khu mỏ ngay bên ngoài Athens. Đến năm 100 trước Công nguyên, Tây Ban Nha ngày nay đã trở thành trung tâm khai thác bạc của Đế chế La Mã.
Hãy tưởng tượng các nhà quý tộc trong mọi giai đoạn lịch sử, ở khắp nơi trên thế giới mặc trên người những bộ trang phục lấp lánh, đeo trên cổ những chiếc vòng bạc sang trọng và quyền uy.
Nhưng công dụng của bạc không chỉ dừng lại ở đồ trang sức. Việc sử dụng bạc đã trải qua một chặng đường dài và trong mọi thời đại, bạc đều cho thấy giá trị ngày càng tăng.
Công dụng của bạc trong y học được khám phá vào thế kỷ 19 và 20. Bác sĩ phẫu thuật khâu vết thương sau mổ bằng mũi khâu bạc để giảm viêm. Vào đầu những năm 1900, các bác sĩ kê đơn thuốc nhỏ mắt bạc nitrat để ngăn ngừa viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh. Vào những năm 1960, NASA đã phát triển một máy lọc nước phân phối các ion bạc để diệt vi khuẩn và làm sạch nước trên tàu vũ trụ của mình.
Cuộc cách mạng công nghiệp thúc đẩy sự khởi đầu các ứng dụng công nghiệp của bạc. Nhờ độ nhạy sáng và độ phản xạ cao, bạc đã trở thành thành phần chính trong phim ảnh, cửa sổ và gương. Thậm chí ngày nay, cửa sổ của các tòa nhà chọc trời thường được tráng bạc để phản chiếu ánh sáng mặt trời và giữ cho không gian bên trong luôn mát mẻ.
Bạc là một trong những kim loại dẫn điện tốt nhất, khiến nó trở thành sự lựa chọn không thể thiếu cho các thiết bị điện tử. Hầu hết mọi thiết bị đều chứa bạc, từ điện thoại thông minh đến xe điện. Các tấm pin mặt trời cũng sử dụng bạc như một lớp dẫn điện trong tế bào quang điện để vận chuyển và lưu trữ điện hiệu quả.
Ngày nay, bạc giữ một vai trò quan trọng đối với công nghệ năng lượng tái tạo. Thời gian càng trôi đi, bạc càng chứng tỏ được giá trị của mình. Khi cả thế giới thúc đẩy quá trình giảm ô nhiễm carbon, nhu cầu sử dụng bạc ngày càng tăng cao.
Bạc do đó đã trở thành “người bạn đồng hành” đáng tin cậy cho những nhà đầu tư thông minh!
Xuất hiện huy hoàng
Toàn thế giới hiện đang có trữ lượng bạc rơi vào khoảng 610.000 tấn, số liệu tính tới năm 2023. Trong đó, Peru đứng đầu với trữ lượng 110.000 tấn và Australia đứng thứ hai với 94.000 tấn.
Nhìn lại suốt chiều dài phát triển của nhân loại, bạc cũng có một lịch sử huy hoàng không kém gì vàng, khiến nó trở thành một trong những thứ kim loại được con người trân quý nhất.
Kể từ khi được phát hiện và khai thác lần đầu tiên ở Anatolia, vùng đất ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, bạc đã giúp các nền văn minh cổ đại ở Cận Đông và Hy Lạp cổ phát triển thịnh vượng. Và sự xuất hiện của bạc đã thúc đẩy giao thương ở biển Aegean và Địa Trung Hải cổ đại.
Khi Columbus đặt chân đến Tân Thế Giới vào năm 1492, những kẻ chinh phạt châu Âu phát hiện thứ kim loại màu trắng này có rất nhiều ở châu Mỹ. Sự kiện này đã thay đổi vĩnh viễn không chỉ bộ mặt của bạc, mà còn cả thế giới.
Cuộc chinh phục châu Mỹ của người Tây Ban Nha đã tạo ra một sự bùng nổ trong hoạt động khai thác bạc, vượt xa trước đó. Từ năm 1500 đến 1800, hoạt động khai thác ở Bolivia, Peru và Mexico đã chiếm hơn 85% sản lượng và giao thương bạc toàn cầu, củng cố sức ảnh hưởng của Tây Ban Nha tại Tân Thế Giới và các khu vực khác.
Sau đó, hoạt động khai thác lan rộng sang các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ. Sản lượng bạc tiếp tục tăng mạnh trên toàn thế giới, từ 40 triệu nâng lên thành 80 triệu ounce mỗi năm vào những năm 1870. Thời kỳ từ năm 1876 đến 1920 chứng kiến một sự bùng nổ về đổi mới công nghệ và khai thác ở các khu vực mới trên toàn cầu. Sản lượng trong 25 năm cuối thế kỷ 19 đã tăng gấp bốn lần so với sản lượng trung bình của 75 năm đầu tiên, đạt gần 120 triệu ounce mỗi năm.
Ở Việt Nam hiện chưa phát hiện được mỏ bạc thực sự. Thay vì thế, bạc thường được tìm thấy dưới dạng khoáng sản đi kèm trong các mỏ quặng khác như chì, kẽm, đồng, vàng, niken, cobalt. Việt Nam cũng chưa có công nghệ khai thác bạc. Dù bạc có được tìm thấy trong một số mỏ quặng khác, do hàm lượng thấp và công nghệ tuyển lạc hậu nên việc thu hồi bạc từ những loại quặng nêu trên hầu như không thực hiện được. Về cơ bản, lượng tài nguyên bạc ở Việt Nam là không đáng kể.
Những phát hiện mỏ bạc mới ở Australia, Trung Mỹ và châu Âu đã góp phần làm tăng sản lượng bạc. Trong 20 năm từ 1900 đến 1920, sản lượng thế giới đã tăng thêm 50%, đưa tổng sản lượng lên khoảng 190 triệu ounce mỗi năm.
Bước vào thế kỷ 20, nhiều kỹ thuật khai thác mới đã góp phần làm gia tăng mạnh mẽ sản lượng bạc toàn cầu. Các đột phá bao gồm khoan hỗ trợ bằng hơi nước, hút nước khỏi mỏ và cải tiến phương thức vận chuyển. Ngoài ra, những tiến bộ trong công nghệ khai thác đã nâng cao khả năng tách bạc từ quặng và giúp xử lý được khối lượng lớn nguyên liệu.
Những phương pháp mới này đã đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng khối lượng sản xuất, vì nhiều mỏ bạc giàu trữ lượng trên thế giới đã dần cạn kiệt vào cuối thế kỷ 19. Hơn 5.000 năm sau khi các nền văn hóa cổ đại bắt đầu khai thác bạc với số lượng nhỏ, sản lượng khai thác hiện nay đã ở ngưỡng khổng lồ. Trong năm 2023, toàn thế giới đã khai thác được tổng cộng 831 triệu ounce bạc.
Đường ra thị trường
Với tốc độ khai thác lớn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nguồn tài nguyên bạc tự nhiên trên thế giới đang dần trở nên khan hiếm. Hiện nay, trữ lượng bạc có thể khai thác vẫn còn khá đáng kể, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng, trữ lượng bạc chất lượng cao đang ngày càng cạn kiệt. Theo một số ước tính gần đây, các mỏ bạc lớn nhất vẫn tập trung tại một số quốc gia chính, gồm Mexico, Peru và Trung Quốc.
Mexico được biết đến như quốc gia dẫn đầu về sản lượng bạc. Mỗi năm đất nước này sản xuất khoảng 23% tổng lượng bạc toàn cầu. Đứng ngay sau là Peru, nhờ vào việc sở hữu nhiều mỏ bạc trữ lượng lớn. Kế tới là Trung Quốc, do có ngành công nghiệp khai thác kim loại phát triển mạnh, đất nước tỷ dân không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn là nơi sản xuất bạc quan trọng. Cuối cùng, không thể không kể tới Bolivia và Chile. Cả hai quốc gia Nam Mỹ này đều có trữ lượng bạc lớn và đóng góp không nhỏ vào tổng sản lượng bạc thế giới.
Tuy nhiên, lượng bạc chất lượng cao, dễ tiếp cận đang dần giảm, buộc các công ty khai thác phải tiếp cận những mỏ bạc “khó nhằn” hơn và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để tách bạc từ các loại quặng nghèo. Ngoài ra, một phần lớn nguồn cung bạc còn đến từ việc khai thác phụ phẩm từ các kim loại khác như chì, kẽm và đồng.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi không có mỏ bạc nguyên chất, lượng bạc thu được từ các hoạt động khai thác các kim loại khác vẫn đáng kể. Tuy nhiên, điều đó khiến cho nguồn cung bạc ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu và hoạt động sản xuất của những ngành công nghiệp khác.
Sau khi được khai thác từ mỏ, quặng bạc sẽ phải trải qua nhiều bước trước khi chính thức "lên sàn" giao dịch. Đầu tiên là quá trình tinh luyện. Bạc được tinh chế và phân loại thành bạc thỏi hoặc xu bạc, với độ tinh khiết từ 99,9% đến 99,99%. Đây là bước quan trọng để đảm bảo bạc đạt tiêu chuẩn chất lượng trước khi được giao dịch trên thị trường quốc tế. Các nhà máy tinh luyện hiện nay có nhiều công nghệ tiên tiến để đảm bảo loại bỏ nhiều nhất có thể tạp chất, giúp bạc trở nên cực kỳ tinh khiết.
Bạc thỏi sau khi tinh chế sẽ được đóng dấu tiêu chuẩn quốc tế, để đảm bảo tính xác thực và chất lượng. Các tổ chức như London Bullion Market Association (LBMA) quy định những tiêu chuẩn cụ thể về bạc thỏi được phép giao dịch quốc tế. Các thỏi bạc đạt tiêu chuẩn này được đóng dấu, ghi rõ trọng lượng và độ tinh khiết, cho phép chúng được chấp nhận trên gần như mọi sàn giao dịch.
Bạc có thể được giao dịch thông qua các sàn giao dịch kim loại quý quốc tế. Sàn giao dịch kim loại London (London Metal Exchange - LME) là một trong những trung tâm quan trọng nhất cho giao dịch bạc vật chất. Ngoài ra, COMEX (thuộc tập đoàn CME) tại Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường lớn, nơi các hợp đồng tương lai bạc được giao dịch. Các nhà đầu tư có thể mua bán bạc qua các hợp đồng tương lai, bạc thỏi vật chất hoặc qua các quỹ ETF bạc (quỹ đầu tư trao đổi). Ngoài ra, bạc còn là tài sản đầu tư qua các hợp đồng phái sinh và các sản phẩm tài chính khác.
Bạc sau khi được tinh chế và giao dịch sẽ được lưu trữ tại các kho bạc có uy tín trên toàn thế giới. Các kho bạc lớn như tại London, Zurich và New York thường giữ một lượng lớn bạc thỏi để phục vụ nhu cầu giao dịch và đầu tư. Bạc sau khi mua bán cũng có thể được vận chuyển quốc tế dưới dạng thỏi hoặc đồng xu bạc, tùy thuộc vào nhu cầu của người mua.
Những màn “nhảy múa” để đời
Trong hành trình ra thị trường của bạc, thời gian hoạt động trên các sàn giao dịch có lẽ là thú vị, thu hút nhất. Lúc này giá bạc giống như một “tay lướt sóng” chuyên nghiệp, lúc thì leo lên đỉnh cao, khi thì nhào xuống đáy sâu – khiến nhà đầu tư cũng phải chóng mặt theo từng con sóng.
Có rất nhiều yếu tố có khả năng tác động lên giá bạc. Đầu tiên phải kể đến quy luật cung và cầu – yếu tố "xưa như Trái đất" nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Khi các mỏ bạc gặp sự cố, hoặc khi các ngành công nghiệp như sản xuất đồ điện tử, pin năng lượng mặt trời cần nhiều bạc hơn, giá bạc sẽ nhảy múa như chưa bao giờ được nhảy vậy!
Nhưng cung cầu không phải là yếu tố duy nhất. Khủng hoảng tài chính toàn cầu, các chính sách tiền tệ của thế giới (như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định “in thêm tiền” hay không), và sự biến động của đồng USD là các yếu tố tiềm ẩn khả năng tác động rất mạnh. Đó là những nhạc trưởng “lão luyện”, có thể đưa giá bạc lên tận mây xanh hoặc đẩy nó xuống vực sâu.
Giá bạc đã từng trải qua những màn nhảy múa không tưởng. Vụ kinh điển phải kể tới là màn thao túng của anh em nhà Hunt trong những năm 1970. Cụ thể, hai anh em Nelson Bunker Hunt và William Herbert Hunt là con trai của H.L. Hunt, một tỷ phú dầu mỏ ở Texas, Mỹ. Thừa hưởng khối tài sản khổng lồ từ cha đẻ, hai anh em đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm bạc.
Trong những năm 1970, họ bắt đầu tích lũy bạc với một mục tiêu đầy tham vọng là kiểm soát thị trường bạc toàn cầu. Vào thời điểm đó, nền kinh tế thế giới đang gặp phải tình trạng lạm phát cao và bất ổn tài chính. Hai anh em Hunt tin rằng bạc, giống như vàng, là một tài sản an toàn để bảo vệ chống lại lạm phát.
Từ năm 1973, anh em nhà Hunt âm thầm mua bạc trên quy mô lớn. Ban đầu, họ tích lũy bạc vật chất với số lượng rất lớn. Sau đó, họ sử dụng các hợp đồng tương lai để mua bạc trên thị trường phái sinh. Kết quả là vào cuối những năm 1970, đầu năm 1980, anh em nhà Hunt đã nắm giữ khoảng 100 triệu ounce bạc vật chất, tương đương với hơn 50% tổng nguồn cung bạc toàn cầu có thể giao dịch tự do – một con số khổng lồ.
Điều này đã đẩy giá bạc tăng phi mã. Giá bạc, từ mức khoảng 6 USD/ounce vào đầu những năm 1970, đã vọt lên mức kỷ lục hơn 50 USD/ounce vào tháng 1/1980. Giá bạc tăng cao đã khiến thị trường rơi vào tình trạng căng thẳng. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về việc anh em Hunt có thể đang cố tình lũng đoạn thị trường bạc, khiến giá cả vượt xa giá trị thực của bạc. Các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý bắt đầu cảm thấy áp lực ngày càng lớn và sợ rằng vụ thao túng này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn.
Để chống lại điều này, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) và các ngân hàng lớn bắt đầu thực hiện các biện pháp để kiểm soát sự bùng nổ giá bạc. Các quy định về giao dịch ký quỹ (margin) được thắt chặt, yêu cầu các nhà đầu tư phải nộp thêm tiền mặt khi giao dịch hợp đồng tương lai bạc. Điều này làm cho việc tích lũy bạc của anh em Hunt trở nên khó khăn hơn.
Và cuối cùng, điều người ta không mong đợi đã tới. Ngày 27/3/1980, còn được gọi là Silver Thursday (Thứ Năm Bạc), giá bạc sụp đổ. Từ mức đỉnh hơn 50 USD/ounce, giá bạc rơi tự do xuống dưới 11 USD/ounce chỉ trong vài ngày. Vụ sụp đổ này khiến anh em nhà Hunt bị thiệt hại hàng tỷ USD và làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Hai anh em nhà Hunt bị kiện tụng và bị các cơ quan quản lý điều tra kéo dài. Cuối cùng, vào năm 1988, họ phải tuyên bố phá sản và buộc phải nộp phạt một số tiền khổng lồ, phải từ bỏ phần lớn tài sản cá nhân.
Trong nhiều năm sau sự kiện Silver Thursday, giá bạc luôn lượn lờ trong mức thấp, như một tay đua đã hết động lực. Tuy nhiên, vào năm 2011, giá bạc lại bùng nổ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhà đầu tư đổ xô trú ẩn vào kim loại quý. Giá bạc lao lên mốc gần 50 USD/ounce thêm một lần nữa. Thế nhưng, giống như những cơn sóng thủy triều, giá bạc lại nhanh chóng rút xuống ngay khi kinh tế bắt đầu phục hồi.
Tương lai lấp lánh
Vậy tương lai giá bạc sẽ ra sao? Chẳng ai có thể dự đoán chính xác, nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng bạc vẫn còn tiềm năng tỏa sáng, nhất là khi các ngành công nghiệp xanh như năng lượng mặt trời ngày càng phát triển. Bạc là một trong những kim loại không thể thiếu trong việc sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời – một lý do cực kỳ “nặng ký” khiến giá bạc có thể tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, hãy thận trọng, vì giá bạc vẫn luôn là một ẩn số đầy bất ngờ. Những thay đổi trong chính sách toàn cầu, như các quyết định của ngân hàng trung ương hay tình hình địa chính trị, có thể khiến giá bạc tăng giảm nhanh chóng như một cơn gió đổi hướng. Một điều chắc chắn là bạc sẽ tiếp tục nhảy múa theo những biến động của thế giới, và ai nắm bắt tốt cơ hội này sẽ có thể gặt hái được nhiều thành quả!
Theo Thạc sĩ Lưu Thắng – Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, hiện chưa có quy hoạch nào đối với việc tìm kiếm bạc ở Việt Nam. Nói cách khác, bạc không nằm trong quy hoạch khai thác và chế biến từ năm 2021 – 2030, nên rất khó tính toán được tổng trữ lượng. Và cũng rất khó tính toán được trữ lượng bạc của Việt Nam (như một kim loại quý đi kèm với chì kẽm) đã khai thác được từ trước đến nay.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc đầu tư vào bạc, hãy xác định rõ chiến lược của mình ngay từ đầu. Đầu tư vào bạc giống như việc trồng cây; bạn cần kiên nhẫn chăm sóc và chờ đợi thời điểm tốt để thu hoạch! Vậy, đâu là chiến lược đầu tư bạc hiệu quả nhất? Hãy coi bạc như một phần của danh mục đầu tư đa dạng hóa, giống như một món ăn phụ ngon miệng trong bữa tiệc tài chính của bạn. Đầu tư vào bạc giúp bạn giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản trong những thời kỳ khủng hoảng. Nhưng điều quan trọng là phải kiên nhẫn – bạc không phải lúc nào cũng bùng nổ lợi nhuận nhanh chóng, mà thường tỏa sáng khi bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng và chờ đợi đúng thời điểm.
Mới đây, theo bà Sugandha Sachdeva, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường SS WealthStreet, hiện giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 34 USD/ounce. Lãi suất vay thấp hơn, bên cạnh các biện pháp kích thích của Trung Quốc và nguồn cung hạn chế sẽ tiếp tục đẩy giá bạc lên cao. Bà Sachdeva nhận định, bạc có thể đạt mức khoảng 45 USD/ounce vào năm 2025.
Còn theo một chuyên gia của Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, người Việt hiện quan tâm rất nhiều tới bạc. Các video liên quan tới bạc thỏi trên Tiktok đạt ít nhất 500 ngàn view hoặc 1 triệu view chỉ trong 24h đầu tiên, có những video đạt 1,5 triệu view chỉ sau 3 ngày.
Một chiến lược thông minh là mua bạc khi giá thấp và giữ nó trong dài hạn, đợi những biến động kinh tế hoặc xu hướng công nghệ mới (như sự gia tăng sử dụng năng lượng mặt trời) khiến nhu cầu bạc tăng cao. Nếu có thể giữ vững tâm lý và không bị cuốn theo sóng giá, bạc sẽ là một người đồng hành đáng tin cậy trên hành trình đầu tư dài hạn của bạn.
- Nội dung: Huy Minh – Hoàng Long
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/bac-mot-tuong-lai-lap-lanh-380364.html