ASEAN xây dựng nền nông nghiệp bền vững

ASEAN xây dựng nền nông nghiệp bền vững

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt tại Đông Nam Á, có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực. Trước tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, an ninh lương thực bị đe dọa vì các thách thức toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra nhiều Tuyên bố về các lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó có nông nghiệp bền vững. 

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 1.126ha trồng ca cao, sản lượng năm 2023 đạt 1.520 tấn. Ảnh: TTXVN

Với chủ đề "Thúc đẩy kết nối và tự cường", Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Lào vừa qua thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc nhấn mạnh “kết nối” khu vực, "tự cường" còn cho thấy khả năng ứng phó của ASEAN trước sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức an ninh phi truyền thống và khả năng chủ động thích ứng với các xu hướng phát triển mới.

Trên tinh thần đó, Lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hướng tới cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm, cùng nhiều Tuyên bố về các lĩnh vực hợp tác cụ thể như tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, , ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học…và nông nghiệp bền vững.
Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là “điểm tựa” của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng. Ngành nông nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 32% dân số và đóng góp 22,6% cho GDP, đóng góp đáng kể vào nỗ lực chung xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững ở khu vực.

Tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện lộ trình đưa thành phố Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia, để cải thiện hệ thống nông nghiệp, các nước thành viên ASEAN cần chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp sinh thái và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp sinh thái đang được coi như một lựa chọn đúng đắn để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững và hệ thống lương thực, thực phẩm an toàn. Đó là các hệ thống canh tác sáng tạo, ít phụ thuộc vào hóa chất, thân thiện với môi trường, cụ thể như các mô hình canh tác sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu địa phương, giảm đầu vào hóa học, canh tác nông lâm kết hợp, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, thiết kế hệ thống canh tác theo cảnh quan, canh tác hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn….
Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp sinh thái và Hệ thống lương thực An toàn được triển khai trong 5 năm từ 2020 đến 2025 ở 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái tại các quốc gia Đông Nam Á.

Sầu riêng được bày bán tại tỉnh Chanthaburi, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Việt Nam đã tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp ASEAN, đóng góp rất lớn vào phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng; nông nghiệp tuần hoàn; an ninh lương thực và dinh dưỡng ASEAN.
Tuy đóng vai trò then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nhưng nông nghiệp đang là lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu rất nhiều rủi ro. Ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ngành kinh tế khác trong việc sử dụng các nguồn lực, tài nguyên đất đai, nguồn nước. Mặt khác, ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức như suy giảm năng suất, trình độ phát triển, đặc biệt là tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. 

Do đó, các nước ASEAN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và tổ chức theo chuỗi liên kết, giúp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa các khâu sản xuất, phân phối và quản lý nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Hợp tác nông nghiệp ASEAN đang được triển khai có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào đảm bảo an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng và phát thải thấp; nông nghiệp tuần hoàn; giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp độc hại; tái chế chất thải từ cây trồng và động vật; thúc đẩy các giải pháp  dựa vào thiên nhiên; đảm bảo tài nguyên đất và nước bền vững; nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; nông nghiệp số...

  • Bài: Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh: TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

 

Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/asean-xay-dung-nen-nong-nghiep-ben-vung-381374.html


top