ASEAN phát huy các giá trị văn hóa đa dạng, đa sắc
Sự giao thoa của nhiều nền văn hóa đã tạo nên một ASEAN đa sắc. Đặc biệt, việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phong tục đã tạo nên bản sắc riêng ASEAN, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng của mỗi quốc gia thành viên.
Có thể thấy nét chung nhất của Cộng đồng ASEAN về văn hóa là có chung một nền tảng của nền văn minh lúa nước. Địa hình khu vực và khí hậu nóng ẩm của ASEAN còn tạo nên sự tương đồng trong cách ăn, ở, sinh hoạt của cư dân khu vực này.
Tuy vậy, nền văn hóa ASEAN cũng có những nét dị biệt, làm nên sự đa dạng với những khía cạnh độc đáo. ASEAN có đến hàng trăm dân tộc khác nhau với những phong tục, tập quán khác nhau. Trong số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khu vực Đông Nam Á có cấu trúc tộc người đa dạng và phức tạp nhất.
Theo một chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học, Myanmar có tới hơn 130 đơn vị tộc người; Việt Nam có 54 dân tộc, Thái Lan có khoảng 40 tộc người; Lào có 48… Về ngôn ngữ, ở Indonesia có tới 300 nhóm ngôn ngữ tộc người khác nhau; ở Philippines có hơn 90 nhóm địa phương thuộc nhiều tộc người khác nhau và ở Malaysia, cơ cấu tộc người bản địa sống rải rác trên khắp các vùng đất. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN còn có sự đa dạng về tôn giáo. Những tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Đông Nam Á.
Một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN chính là Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Có thể nói, sự hình thành Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung là một dấu mốc quan trọng, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực hơn nữa để hơn 650 triệu nhân dân Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều. Theo đó, bản Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng đến năm 2025 đã đưa ra 109 biện pháp chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu bao gồm: Gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; hòa nhập; bền vững; tự cường và năng động…
Mặt khác, sự đa dạng văn hóa trong khu vực đã và đang mang lại nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Sức sáng tạo và tài sản văn hóa của mỗi dân tộc trong khu vực ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực hàng thủ công, công nghiệp văn hóa là nguồn tài sản vô biên. Mỗi năm, chỉ riêng lĩnh vực này đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến thăm quan và mua sắm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bởi vậy, các quốc gia Đông Nam Á cần chung tay bảo tồn và kết nối các di sản văn hóa; nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm đa ngôn ngữ của truyền thống văn hóa và giáo dục; xây dựng con đường di sản văn hóa nhằm kết nối giao lưu các nền văn hóa …. Điều này cũng phù hợp với chương trình hành động của UNESCO dành cho các vấn đề bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cũng như việc bảo tồn tính đa dạng văn hóa vốn được cho là điều kiện của sự phát triển bền vững của hòa bình, an ninh ở quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế.
Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN đều có chung một mục tiêu là hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất. Với vị trí địa lý chiến lược quan trọng - nơi giao thoa hội tụ các nền văn hóa thế giới, sự đa dạng văn hóa ASEAN sẽ góp phần kết nối giữa các dân tộc, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trong khu vực. Văn hóa là nền tảng vững chắc cho “ngôi nhà” chung ASEAN ngày càng trở nên tốt đẹp, thịnh vượng hơn./.
Bài: VNP Ảnh: TTXVN
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/asean-phat-huy-cac-gia-tri-van-hoa-da-dang-da-sac-333524.html