ASEAN nỗ lực phát triển nghề cá bền vững
Với hơn 600 triệu dân, ASEAN là một trong những khu vực quan trọng trong khai thác, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thủy sản. Những năm qua, các nước ASEAN đã ý thức được tầm quan trọng cũng như nỗ lực thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển nghề cá bền vững.
Khu vực ASEAN đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu, trong đó có 4/10 nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, bao gồm Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Khu vực Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để phát triển cả hai lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản với tiềm năng mang lại giá trị lớn cả về phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội. Thời gian qua, các nước ASEAN đã có nhiều sáng kiến để cùng xây dựng cơ chế hợp tác phát triển nghề cá khu vực hiện đại, bền vững, có trách nhiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, hoạt động khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đã gây tổn thất lớn về kinh tế cho các quốc gia ASEAN, ước tính khoảng 6 tỉ USD vào năm 2019. Trong đó, Indonesia chịu thiệt hại lớn nhất với khoảng 3 tỉ USD, còn Việt Nam khoảng 1,6 tỉ USD mỗi năm.
Sau nhiều nỗ lực phòng, chống IUU để gỡ “thẻ vàng” của EU, Việt Nam hiện có hơn 95% tàu cá đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, 49 cảng cá được chỉ định trải dài 28 tỉnh, thành có biển thực hiện được truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá khai thác, đánh bắt, đủ điều kiện cho xác nhận, chứng nhận dần đi vào ổn định, có độ tin cậy cao. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng lòng của ngư dân, Việt Nam sẽ phát triển nghề cá bền vững, và không lâu nữa có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất.
Là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với diện tích biển có thể quản lý được là 6,4 triệu km2, Indonesia mỗi năm đánh bắt sản lượng bền vững tối đa là 13 triệu tấn. Ngành thủy sản đã đóng góp khoảng 30 tỉ USD, tương đương 2,7% vào nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á này trong năm 2019. Ngoài ra, Indonesia còn là một trong những nước nuôi trồng thủy sản hàng đầu trên toàn thế giới.
Tại Philippines, Chính phủ nước này thực hiện song song việc đào tạo thêm lực lượng bảo vệ biển, mua nhiều thiết bị hiện đại cho tàu thuyền và các hệ thống định vị, giám sát, có kết nối vệ tinh. Hiện nay, tại các ngư trường lớn ở Philippines, ngư dân vẫn tuân thủ chặt chẽ những quy định như không đánh bắt quá hạn ngạch, đánh cá đúng mùa vụ và sử dụng ngư lưới cụ đúng chuẩn.
Trong khi đó, Thái Lan đã và đang tăng cường hợp tác với các quốc gia khác nhau để giải quyết tốt hơn việc đánh bắt IUU. Cục Thủy sản Thái Lan khẳng định rằng nước này hiện có thể đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm thủy sản được thu hoạch, chế biến, nhập khẩu và xuất khẩu từ Thái Lan không liên quan đến đánh bắt IUU hoặc lao động cưỡng bức. “Chỉ khi hợp tác cùng với nhau, chúng ta mới có thể thành công” – đây cũng chính là thông điệp của Thái Lan với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất của mình với các đối tác quốc tế trong việc chống đánh bắt IUU.
Trong chuyến thăm Brunei vào đầu tháng 2/2023 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã kí Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Brunei Darussalam giai đoạn 2023-2027, đặc biệt hai bên đã nhất trí xem xét khả năng hợp tác liên doanh khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
Có thể thấy, việc thực hiện chính sách riêng lẻ của mỗi nước, thiếu sự hợp tác đồng bộ, nhất là với các nước có tranh chấp về quản lý tài nguyên cá biển, sẽ tạo ra nhiều thách thức trong tương lai. ASEAN cần một khuôn khổ pháp lý mang tính ràng buộc và khuôn khổ hợp tác khu vực hiệu quả./.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào cuối năm 2022, Cao ủy của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Môi trường, Đại dương và Nghề cá - ông Virginijus Sinkevicus đã đánh giá Việt Nam đạt được các tiến bộ về chống khai thác IUU để có thể gỡ được thẻ vàng này trong thời gian sớm nhất.
Bài: VNP - Ảnh: TTXVN
Link : https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/long-form/asean-no-luc-phat-trien-nghe-ca-ben-vung-325267.html