“Phù thủy đất sét” Hà Thị Vinh

“Phù thủy đất sét” Hà Thị Vinh

Cách đây hơn 3 thập kỷ, tại một làng quê nghèo ven đô, có một người phụ nữ tập hợp những người phụ nữ khác trong làng. Họ, những người phụ nữ ấy, ngồi trên manh chiếu rách được trải ở góc sân và bàn việc làm ăn với thế giới. Câu chuyện tưởng chừng như trong cổ tích, nhưng phép màu đã xảy ra. Người phụ nữ ấy đã xây dựng lên một công ty lớn nhất làng nghề Gốm Bát Tràng, một làng nghề gốm nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, và hiện đang cung cấp sản phẩm gốm cho các tập đoàn bán lẻ trên toàn cầu. Mọi người gọi bà với biệt danh “phù thủy đất sét” Hà Thị Vinh.

Bà Hà Thị Vinh Giám đốc công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, nữ doanh nhân thành đạt, niềm tự hào của người dân làng gốm cổ Bát Tràng.

Đơn giản và thẳng thắn, tính cách này rõ rệt đến mức bất cứ ai tiếp xúc thoáng qua hay sâu sắc đều cảm nhận rõ ở bà. Những chiếc áo sơ mi phong cách thời trang của những năm bao cấp ở Việt Nam (những năm 80, 90 của thế kỷ trước) vẫn được bà ưa chuộng. Và đôi khi có sự kiện, bà thay đổi một chút, khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống. Đôi nét chấm phá bề ngoài đó, khiến nhiều người dễ lầm tưởng, đây là một người phụ nữ truyền thống, an phận và không cấp tiến.

Những người phụ nữ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở thời kỳ bắt đầu bỏ bao cấp và chuyển sang cơ chế mở cửa, bản thân họ đã gặp vô vàn rào cản đến từ xã hội, gia đình và thậm chí là từ chính bản thân họ. Những ai bước qua rào cản này đã là khác biệt, còn người phụ nữ nào phá bỏ được rào cản này để thành công thì đó là kỳ tích. Và khi người phụ nữ đạt được kỳ tích này, thì họ thực sự không phải là người tầm thường.

Leonardo da Vinci đã từng nói “đơn giản là sự tinh tế tột cùng”. Và ở trong trường hợp này, theo cảm quan của người viết, câu nói này chính là để dành cho những con người đặc biệt như bà, “Phù thủy đất sét” Hà Thị Vinh. Bà Vinh là một phụ nữ sinh ra ở một vùng nông thôn nghèo Việt Nam, nơi còn đầy rẫy định kiến xã hội với người phụ nữ.

Năm 1986, khi nhà nước bỏ bao cấp, bắt đầu cơ chế mở cửa. Bà Vinh khi đó là cán bộ mũi nhọn của phòng kinh doanh xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng nên được giữ lại trong khi tinh giảm biên chế diễn ra khắp các đơn vị nhà nước. Tuy nhiên công việc buộc bà phải thường xuyên xa nhà trong khi đó bà phải chăm người chồng bị tàn tật và 3 con nhỏ. Hoàn cảnh khiến bà phải từ bỏ biên chế nhà nước.

Tĩnh tâm nhìn lại, bà Vinh nghĩ, thế hệ cha ông từ thế kỷ 15,16, họ đã mang sản phẩm gốm sứ xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước thông qua thương cảng quốc tế Hội An. Bà Vinh trăn trở: “Vậy tại sao cha ông mình đã làm được mà mình không làm được”. Đó là động lực thôi thúc cho sự ra đời của tổ hợp gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Mỹ Hạnh tiền thân của Công ty TNHH gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, với định hướng ngay từ những ngày đầu thành lập là bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Bà Vinh trao đổi cùng nhân viên về thiết kế các sản phẩm gốm.

Người phụ nữ ấy ngay khi thành lập ra xí nghiệp tư nhân của riêng mình đã vấp ngay phải rào cản xã hội, của những người trong ngành, rằng không ai tin Mỹ Hạnh có thể sản xuất hàng xuất khẩu. Sau một thời gian loay hoay và bế tắc ở thị trường miền Bắc, người phụ này đã phải khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm lời giải.

Câu chuyện tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 1989, chị may mắn gặp một doanh nhân người Italia tại hội chợ, sau khi tìm hiểu về gốm  sứ Bát Tràng, doanh nhân đó đã đặt tổ hợp sản xuất  hàng gốm sứ mang biểu tượng của bóng đá Italia như: gạt tàn thuốc lá, giầy bóng đá với một hợp đồng trị giá 30.000 USD. Hợp đồng đó góp phần tăng thêm uy tín  của gốm sứ Bát Tràng đến với  bạn bè quốc tế và khi có được đơn hàng xuất khẩu đầu tiên từ vị khách này trong niềm vui trào dâng nước mắt. Rồi sau đó, vị khách này không đặt đơn hàng thứ hai vì biết xí nghiệp của bà vẫn sử dụng lò nung bằng than gây ô nhiễm môi trường, có lẽ đều là sự sắp đặt vô hình. Vì sau những vụ việc này, bà Vinh lại hiểu thêm các thị trường xuất khẩu để chuyển đổi mình.

Câu chuyện khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, khiến thị trường gốm cạnh tranh khốc liệt, gốm Quang Vinh và nhiều doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng đứng trước nguy cơ bị phá sản do hàng làm ra hàng loạt mà không xuất được. Người phụ nữ thôn quê nghèo đó lại không ngại ngần khăn gói sang hai thị trường xuât khẩu chính của gốm Bát Tràng lúc đó là Hàn Quốc và Đài Loan, mong muốn tìm hiểu khó khăn của khách hàng để cùng tháo gỡ. Chuyến đi lại cũng như một sự sắp đặt, khi bà biết được mánh lới đằng sau lý do khó khăn mà các thương lái nói với các doanh nghiệp của Bát Tràng. Bà Vinh, một lần nữa, trở thành “nữ anh hùng” cứu sống các doanh nghiệp Bát Tràng trước nguy cơ phá sản.

 

Sau rất nhiều sóng gió, bà Vinh nhận thấy, muốn làm hàng xuất khẩu bền vững, phải đi ra nước ngoài, xem thị trường và xem mình đang đứng ở đâu. Một triễn lãm gốm sứ tại thành phố Dallas, Bang Texas (Mỹ) được tổ chức sau đó với một đối tác người Mỹ của công ty. Các sản phẩm mang đến triển lãm đều bán hết, nhưng niềm vui không kéo dài, khi khách hàng không đặt đơn hàng thứ hai.

Công nghệ lạc hậu, sử dụng lò nung ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa đạt được độ tinh xảo,.. tất cả những điều đó bà Vinh học được khi đi thăm quan các nước đang bán sản phẩm gốm sứ vào Mỹ. “phải thay đổi, phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải đưa kỹ thuật mới vào để tạo ra những sản phẩm độc đáo thì mới mong chinh phục được thị trường xuất khẩu”, bà Vinh tự nhủ với bản thân.

Nhân viên bán hàng được bà Vinh hướng dẫn kiến thức về gốm để nâng cao giá trị sản phẩm trong khâu bán hàng. 

Giải pháp quan trọng đầu tiên là thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ than củi sang khí gas hóa lỏng. Quang Vinh là đơn vị  mạnh dạn đi tiên phong, nhập 1 lò nung bằng gas 4m3 công nghệ cao của Đài Loan. So với lò đốt củi trước đây, lò gas này có ưu việt về năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường  làng nghề. Từ việc đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cho đến nay các mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ của Quang Vinh  đã rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nổi bật hàng gốm sứ nội thất như: Âu men, những hàng giả cổ có phong cách từ thế kỷ XV, XVI, XVII đã được khách hàng  các thị trường Nhật, Mỹ, Đài Loan, Đan Mạch, Ru-ma-ni, Tiệp Khắc rất ưa chuộng, đáng chú ý khách hàng  Mỹ và các nước Tây Âu rất thích đặt hàng chậu hoa cảnh, các đồ trang trí nội thất. Từ sự tiên phong này, hàng trăm lò nung gas khác được sử dụng tại làng gốm Bát Tràng.

Đến giờ nghĩ lại, bà Vinh vẫn tự nhủ “không biết mình lấy nguồn sức mạnh ở đâu để vượt qua được những điều tưởng chừng như trong mơ ấy’. Tôi nghĩ, sự đặc biệt của người phụ nữ phía sau bề ngoài đơn giản này là một sứ mệnh. Bằng nghị lực phi thường của một người phụ nữ, và cũng có thể vì có điều đó, nên “phù thủy đất sét” Hà Thị Vinh đã trở thành “người được chọn” để bảo vệ và phát triển tinh hoa làng nghề nghìn năm tuổi./.

Bà Hà Thị Vinh giới thiệu đến du khách về lịch sử bảo tàng gốm của công ty Quang Vinh.

 Thực hiện: Trần Thanh Giang - Thảo Vy /Báo ảnh Việt Nam


Top