Xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng linh hoạt

Xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng linh hoạt

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 vừa diễn ra tại Indonesia đã tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ đối ngoại và cấu trúc khu vực.


Nhằm hướng tới “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, AMM 56 khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tất cả các tiến trình khu vực, từ tăng trưởng, phát triển kinh tế, thay đổi lề lối làm việc, cách thức triển khai các quyết định của ASEAN đến những phương thức tiếp cận các vấn đề khu vực và quốc tế. 

ASEAN được kỳ vọng trở thành trung tâm của tăng trưởng, thu hút đầu tư và nguồn lực phục vụ phát triển. ASEAN tiếp tục là điểm sáng với dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2023 ở mức 4,7%. So với bức tranh chung của kinh tế toàn cầu, ASEAN vẫn duy trì được động lực tăng trưởng với tín hiệu tích cực trong tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và phục hồi trong ngành dịch vụ.

Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có phiên đối thoại với Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) trong khuôn khổ AMM-56.
Ảnh: TTXVN phát

Để hiện thực hóa kỳ vọng trên, các bộ trưởng nhất trí củng cố hơn nữa khả năng tự cường và thích ứng linh hoạt của ASEAN trước mọi cơ hội và thách thức đặt ra cho khu vực. Trong môi trường chiến lược đầy biến động, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cần được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa. ASEAN cần đi đầu trong việc định hình một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ với sự tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm của các đối tác cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Hợp tác trong các lĩnh vực như ổn định tài chính, tự cường chuỗi cung ứng, y tế chuyển đổi số, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… tiếp tục được thúc đẩy trên các kênh chuyên ngành của ASEAN, góp phần nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó và chống chịu của ASEAN trước các thách thức hiện tại và tương lai.


Ngoài ra, Hội nghị AMM 56 cũng đã nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khuyến khích các đối tác hợp tác cụ thể, thực chất với ASEAN trên các lĩnh vực ưu tiên về kết nối, hợp tác hàng hải, phát triển bền vững và kinh tế, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.

Chia sẻ nhận định chung về một thế giới ngày càng phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ASEAN không thể tránh khỏi đối mặt với các thách thức cả từ bên trong và bên ngoài. Song, với sự tôi luyện trong 56 năm qua, ASEAN có đủ cơ sở để tự hào và tin tưởng về một cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh.


Theo Đại sứ Vũ Hồ - quyền Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Biển Đông đã trở thành chủ đề thảo luận chung của tất cả các nước tham gia. Tại AMM-56, các nước đều ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và đều cho rằng đây là những bước tiến, dấu hiệu tốt, qua đó cùng nhau xây dựng lòng tin hay thậm chí thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa để điều hòa tất cả các mối quan hệ và lợi ích, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.

Để ASEAN thực sự là tâm điểm, động lực cho tăng trưởng của khu vực và toàn cầu, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023 Indonesia định hướng, ASEAN ưu tiên hội nhập kinh tế, hợp tác bao trùm, triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bảo đảm an ninh lương thực, tự cường năng lượng và ổn định tài chính./.

Tối 13/1/2023, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức Giao lưu Tết “ASEAN và những người bạn 2023” với sự tham dự
của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước và tổ chức quốc tế. Ảnh: TTXVN

Bài: Báo ảnh Việt Nam - Ảnh: TTXVN


Top