Việt Nam nỗ lực phòng chống sạt lở bờ biển
Chịu tác động của biến đổi khí hậu, triều cường và thời tiết cực đoan như bão, lũ và một số nguyên nhân khác, tình trạng sạt lở bờ biển của Việt Nam diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, đe dọa trực tiếp tính mạng và tài sản của hàng nghìn hộ dân.
Với bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), Việt Nam đứng thứ 27 trong tổng số 157 quốc gia ven biển, hải đảo và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra với tốc độ nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nguyên nhân được xác định là các tỉnh miền Trung có địa hình nhỏ hẹp, hệ thống sông suối ngắn, dốc, dễ thay đổi dòng chảy. Ngoài yếu tố địa hình, triều cường kết hợp với tác động cộng hưởng của nhiều loại hình thời tiết cực đoan như lũ, bão, gió mùa, làm mất cân bằng bờ biển là nguyên nhân chính dẫn đến nước dâng cao, gây xói lở, ngập úng kéo dài.
Trung bình mỗi năm Cà Mau mất từ 300-400ha đất và rừng phòng hộ ven biển vì sạt lở. Hội An, một trong những thành phố du lịch nổi tiếng, cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng do xói lở bờ biển, đe dọa cuộc sống của người dân ở đó và tương lai của ngành du lịch địa phương. Chỉ sau 7 năm, từ 2013 đến 2020, toàn bộ bờ biển Hội An với hơn 7km đã bị sạt lở nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”, đề ra các giải pháp trọng tâm bao gồm: Quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có ven biển và rừng mới tạo mới trong giai đoạn 2021-2030; Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng ven biển trên địa bàn tỉnh, bảo vệ môi trường và hệ thống hạ tầng vùng ven biển, nhằm chống sa mạc hóa và suy thoái đất; Bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; Tạo việc làm và thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Cụ thể, trồng mới 20.000ha rừng, trong đó 9.800ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (RNM) và 10.200ha rừng chắn gió, cát bay (trên bãi đất, bãi cát). Ngoài ra, trồng bổ sung để phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000ha.
Thời gian qua, các tỉnh thành chịu ảnh hưởng bởi sạt lở bờ biển như Bến Tre, Bạc Liên, Trà Vinh, Quảng Nam… đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ biển, xây kè, đê bảo vệ các đoạn xung yếu. Bên cạnh đó còn có giải pháp kè mềm sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, như công nghệ Geotube… cũng đã có hiệu quả.
Đối với bờ biển Hội An, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Công (Trung tâm Nước và Môi trường Việt Nam - Hà Lan) chia sẻ, giải pháp thiết kế đưa ra để thực hiện Dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Hội An là sử dụng đê ngầm, đỉnh thấp phá sóng từ xa, kết hợp nuôi bãi. Giải pháp này áp dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bờ biển của Hà Lan với sự vi chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực dự án.
Trong thời gian tới, các tỉnh thành chịu ảnh hưởng sói lở bờ biển cần nhân rộng các giải pháp ưu việt và phù hợp, nhằm bảo vệ các bờ biển trên phạm vi toàn tuyến và bãi biển sẽ dần hồi phục. Hơn thế, những giải pháp này sẽ vừa đảm bảo an toàn, an sinh xã hội cho cư dân địa phương, vừa góp phần khôi phục lại hình ảnh bờ biển, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế biển cho địa phương./.
Bài: VNP Ảnh: TTXVN