Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau
Việc trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc 2 nhiệm kì 2014 – 2016 và 2023 – 2025 với số lá phiếu thuyết phục chính là thực tế sinh động khẳng định trách nhiệm cũng như những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người. Mặc dù đất nước từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để lại hậu quả lâu dài khiến cho đời sống kinh tế xã hội đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực thực hiện cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” để xây dựng đất nước hòa bình - phồn vinh - ấm no - hạnh phúc.
Quyền con người - những thực tế sinh động của Việt Nam
Đã gần 10 năm trôi qua kể từ ngày Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015 chính thức công nhận quyền được chuyển đối giới tính, Vũ Hoàng Mai Châu - Trưởng ban điều hành Mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam (VNTG) vẫn nhớ như in những cảm xúc mừng vui khôn tả về “thời điểm lịch sử” ấy.
Vào thời điểm đó, Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới và thứ 11 tại Châu Á công nhận quyền được chuyển đổi giới tính cho những người không may bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.
Đối với Vũ Hoàng Mai Châu và những người trong cộng đồng người chuyển giới (LGBT) Việt Nam, kể từ đây quyền của người chuyển giới được pháp luật công nhận, nhân phẩm và quyền con người của họ được tôn trọng, họ không còn bị kì thị, phân biệt đối xử, họ được bảo vệ và đối xử công bằng như bao nhiêu con người khác để có thể tự tin sống và đóng góp có ích cho xã hội.
“Trong nhiều thành tựu, tiến bộ mà tôi ấn tượng về Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực – đó chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tình trạng nghèo cùng cực tại Việt Nam đã giảm từ tỷ lệ cao nhất khoảng 40% ở những năm 1990 xuống dưới 5% vào năm 2020. Đó chính là sự thay đổi phi thường.”
(Bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam)
Hiện tại, tuy công việc chính là làm đào tạo tại một công ty chuyên cung cấp người mẫu nhí, nhưng Châu vẫn luôn nhiệt huyết với các hoạt động, dự án giúp đỡ cộng đồng LGPT, trong đó có việc thành lập phòng khám RUBY, một phòng khám đặc biệt đầu tiên ở Việt Nam dành riêng cho cộng đồng người chuyển giới. Đây không chỉ là nỗ lực của Châu mà còn cho thấy sự tiến bộ của các chính sách khi cho phép những người chuyển giới được bình đẳng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như các nhóm người khác trong xã hội.
Một câu chuyện sinh động khác là trường hợp của chị Nguyễn Thị Chắn, trưởng nhóm Mái ấm Hoàng Mai, một tổ chức tình nguyện chuyên can thiệp dự phòng và điều trị HIV cho cộng đồng người sử dụng ma túy. Chị Nguyễn Thị Chắn cũng không giấu được cảm xúc khi nhắc đến việc ngày 8/3/2019 người nhiễm HIV/AIDS trên toàn quốc chính thức được sử dụng thuốc ARV để điều trị từ nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT). Với việc ban hành chính sách này, thời điểm đó Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Nhờ đó, người nhiễm HIV được dễ dàng tiếp cận nguồn thuốc ARV để điều trị tại 188cơ sở điều trị ở khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm Y tế không phân biệt người nhiễm HIV/AIDS với người mắc bệnh khác cũng tạo điều kiện rất lớn cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT được hưởng chế độ khám và điều trị bệnh như những người khác, nhờ đó giảm bớt gánh nặng chi trả cho người bệnh, gia đình và xã hội.
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS – Institute for Social Development Studies), năm 2006 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được ban hành đã khẳng định người nhiễm HIV phải được đối xử bình đẳng. Luật cũng nghiêm cấm các hành vi kì thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Luật Người Khuyết tật 2010 cũng nghiêm cấm các hành vi kì thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật và có nhiều quy định pháp lí tạo điều kiện bình đẳng để người khuyết tật tham gia lao động, cống hiến, đóng góp cho xã hội,…
“Đây đều là những thay đổi tiến bộ trong khung pháp luật và chính sách cho thấy Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đổi mới chính sách để hỗ trợ nhóm những người yếu thế”, bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Những thực tế sinh động ấy cho thấy việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam luôn được quan tâm ở mọi nơi, mọi lúc. Đó là chưa kể đến nhiều chủ trương, chính sách được Đảng, Nhà nước luôn được ban hành kịp thời, hiệu quả nhằm nâng cao mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… cho toàn dân, đặc biệt là lớp người yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Xem vấn đề nhân quyền là mục đích tự thân để phấn đấu
Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát nghiêm trọng trên toàn cầu, câu chuyện về các bác sĩ Việt Nam cứu sống bệnh nhân phi công người Anh mắc COVID-19 được nhiều tờ báo quốc tế nhắc đến như một kì tích cứu người và nghĩa cử cao đẹp của người Việt.
Đài BBC dẫn lời từ giường bệnh ở Việt Nam, phi công Stephen Cameron tâm sự: “Nếu ở nơi nào khác trên hành tinh này chắc tôi đã chết rồi, bởi sau 30 ngày nằm liệt giường có lẽ tôi sẽ bị họ ngắt máy thở. Tôi rất nể trọng tấm lòng của người Việt Nam dành cho tôi. Và tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ đã lăn xả để cứu sống tôi”.
Theo TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đây là minh chứng cho thấy Nhà nước và nhân dân Việt Nam không chỉ có tinh thần và nỗ lực bảo đảm quyền con người mà còn đi xa hơn cái quyền ấy, đó là tinh thần nhân đạo, sự khoan dung, lòng yêu thương con người.
Việc Việt Nam mong muốn trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhằm thực hiện 3 mục tiêu. Thứ nhất, Việt Nam muốn khẳng định việc thực thi nhân quyền. Thứ hai, Việt Nam muốn lan tỏa những giá trị của mình. Thứ ba, Việt Nam muốn thể hiện nhận thức mới của mình về nhân quyền đối với những giá trị của thời đại hiện nay.
Trong chính sách đối ngoại, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, trình độ phát triển để tiếp cận những giá trị chung, giá trị tiến bộ toàn cầu.
Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền đồng nghĩa với kết quả hình thành cơ chế và tư tưởng bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Xét về mặt văn kiện, Việt Nam đã có đầy đủ các văn kiện quốc tế về quyền con người. Việt Nam đã hình thành một cơ chế bao gồm cả luật pháp lẫn cơ quan, tổ chức.
"Việt Nam là một đối tác quan trọng của Liên Hợp Quốc, đã có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Mối quan hệ tốt đẹp này cần được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để thúc đẩy hòa bình, sự phát triển bền vững và quyền con người trên thế giới", đây là đánh giá mới nhất của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về Việt Nam.
Năm 2022, Việt Nam được công nhận là một trong 10 quốc gia có thành tích tốt nhất trên toàn cầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Ông Jean-Pierre Archambault, Nguyên Tổng thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt cũng cho rằng: "Bảo đảm tốt quyền con người là một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận".
Theo TS Cao Đức Thái, Việt Nam có được những thành tựu về quyền con người như vậy là do sự thay đổi tư duy trong tiếp cận quyền con người cũng như vấn đề đối ngoại, hội nhập quốc tế. Nhận thức mới của Việt Nam đó là xem vấn đề nhân quyền là một mục đích tự thân để phấn đấu, gắn nhân quyền với những giá trị của thời đại hiện nay, đó là tinh thần nhân đạo, là sự khoan dung và lòng yêu thương con người./.
Bài: Vy Thảo/ Báo ảnh Việt Nam - Ảnh: Công Đạt, Thanh Hòa, Tư liệu Báo ảnh Việt Nam và TTXVN