Ưu tiên hình thành bộ khung hạ tầng quốc gia

Ưu tiên hình thành bộ khung hạ tầng quốc gia

Thực hiện mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là đến năm 2030 có thể đưa vào khai thác hơn 5000km đường cao tốc, Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đã kết luận với yêu cầu Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội liên vùng và trong khu vực ASEAN.
Ảnh: TTXVN phát

Theo Quy hoạch, một trong những ưu tiên được đưa vào danh mục đầu tư là các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng cao tốc kết nối liên vùng và là xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia. Trong đó, một trong các mục tiêu chính là tới năm 2030 phải tập chung hoàn thiện 3.841 km đường cao tốc so với với năm 2021. Đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km, gồm 2 tuyến trục dọc Bắc Nam (Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Từ Lạng Sơn - Cà Mau; Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây); 14 tuyến khu vực phía Bắc; 10 tuyến khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến; 10 tuyến khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe; 3 tuyến vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội; 2 tuyến vành đai đô thị TPHCM.


Với mục tiêu đó, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng nhiều lần trực tiếp thị sát thực tế nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chia sẻ, ông rất trăn trở khi trong 20 năm qua, chúng ta mới chỉ triển khai được trên 1.000 km cao tốc, mà trong nhiệm kỳ này phải hoàn thành gần 2.000 km cao tốc. Nếu không quyết tâm, không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, đôn đốc, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Sáng 3/9/2022, tại Phú Thọ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đến kiểm tra Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ
kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai (giai đoạn 1). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các đột phá phát triển hạ tầng bao gồm ưu tiên phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đô thị Hà Nội và TPHCM, năng lượng, viễn thông... gắn với hình thành các hành lang kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các vùng động lực (vùng lõi) và cực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm.

Theo Bộ GTVT, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện các dự án đường cao tốc đến năm 2030 là khoảng 813 nghìn tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng nguồn vốn ngoài ngân sách là 153,5 nghìn tỷ đồng.


Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, để đầu tư hệ thống đường cao tốc cần đa dạng hình thức đầu tư. Trong đó, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt kêu gọi vốn ngoài ngân sách.

Mỗi quốc gia muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn được con đường đi đúng. Một bản quy hoạch tổng thể quốc gia có tầm nhìn và khả thi sẽ góp phần xác định con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu cho phát triển đất nước./.

Công trường thi công 2 ống hầm cao tốc Bắc - Nam phía Bắc hầm Núi Vung (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

 Bài: VNP tổng hợp - Ảnh: TTXVN


Top