Tự do hàng hải trên Biển Đông

Tự do hàng hải trên Biển Đông

 Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược, không gian sinh tồn (phát triển và an ninh) của các quốc gia ASEAN mà còn chiếm vị trí kinh tế quan trọng, là đường vận tải “mạch máu” của châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.

Trước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu.

Các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước châu Á, với giá trị thương mại khoảng 5,3 nghìn tỷ USD. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu thô và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng biển qua Biển Đông.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt, Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được phân loại là Cảng biển đặc biệt và là hệ thống cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất Việt Nam, trong đó gồm các khu bến như: Khu bến Cái Mép; Khu bến Thị Vải; Khu bến Sao Mai - Bến Đình; Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu; Khu bến Long Sơn; Khu bến sông Dinh; Bến cảng Côn Đảo... Ảnh: TTXVN
Cẩu trục hiện đại bậc nhất thế giới tại Cảng nước sâu Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN

Việt Nam, Thái Lan, Philippine, Malaysia, Campuchia, Singapore, Indonesia, Brunei là những quốc gia thuộc khối ASEAN có đường biên giới tiếp giáp với Biển Đông. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Úc là 40%.

Đối với Việt Nam, 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua Biển Đông. Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực quy hoạch hệ thống cảnh biển đồng bộ phục vụ giao thương hàng hải. Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 286 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng đạt 96 km với tổng công suất trên 700 triệu tấn/năm. Hệ thống cảng biển gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của tự do hàng hải trên Biển Đông, tại Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 11, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã kêu gọi các nước tăng cường hợp tác hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tăng cường công tác an ninh hàng hải.

Mặt khác, trong tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) cũng nhấn mạnh việc xây dựng “thói quen hợp tác” trong lĩnh vực hàng hải. Để cụ thể hóa tầm nhìn này, Diễn đàn Cảnh sát biển Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức tại Indonesia năm 2022 đã thành công với việc ký kết Tuyên bố của Lực lượng Bảo vệ bờ biển ASEAN.

Không chỉ các quốc gia trong khu vực, các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng rất quan tâm về vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông. Học giả Terashima Hiroshi - nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Biển của Nhật Bản đã đưa những chiến lược tiếp cận vấn đề Biển Đông như tăng cường đối thoại, tiếp xúc giữa các bên liên quan, giữa các học giả nhằm diễn giải, chia sẻ trật tự pháp lý, xây dựng nền tảng cơ bản giải quyết tranh chấp trên biển, duy trì an ninh hàng hải; hỗ trợ các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các quốc gia ven biển Đông khả năng thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và đảm bảo an ninh hàng hải.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam tổ chức luyện tập xử lý tình huống tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên khu vực biển vịnh Lan Hạ, quần đảo Cát Bà, Tp. Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

 Giống như Nhật Bản, Ấn Độ cũng khẳng định Biển Đông hết sức quan trọng đối với kinh tế, an ninh của châu Á cũng như thế giới. Giáo sư Jagannath Panda, Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ cũng đề xuất giải pháp về một hiệp định hàng hải giữa các nước trong khu vực, nhấn mạnh tự do hàng hải, yếu tố đang làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa các quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Giáo sư Gregory Moore, Đại học Nottingham (Anh) khẳng định các quốc gia tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cần hợp tác và đối thoại để giải quyết vấn đề./.

  • Bài: Báo ảnh Việt Nam  
  • Ảnh:  TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung 

 


Top