Truyện Kiều qua những tác phẩm hội họa

Truyện Kiều qua những tác phẩm hội họa

Họa sĩ Lê Thiết Cương phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm. Ảnh: Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Sau nhiều năm ấp ủ làm một dự án đặc biệt, mới đây, họa sĩ Lê Thiết Cương đã cho ra mắt công chúng yêu nghệ thuật 24 bức tranh sáng tác dựa trên cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Trung, Ba Lan, Nga, Arab, Romania… và được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác, từ mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, quan họ, múa rối, điện ảnh...

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng vẽ Kiều là dịch Kiều từ thơ sang hội họa, là phổ họa vào Kiều như phổ nhạc một bài thơ. Cuốn sách Truyện Kiều – Nguyễn Du/Lê Thiết Cương – 24 tranh giống như văn bản thứ hai của “Truyện Kiều” và cũng là cuốn Truyện Kiều có nhiều phụ bản mầu nhất của một họa sĩ từ trước đến nay.

 

24 bức tranh được Lê Thiết Cương vẽ trên cảm hứng từ những câu Kiều kèm theo là những dẫn giải của họa sĩ như một cách trò chuyện gợi ý để độc giả khám phá thêm vẻ đẹp của Truyện Kiều. Anh tiếp tục đem đến một cái nhìn mới với Truyện Kiều bằng Phụ lục 177 chữ Lòng được anh tỉ mỉ thống kê trong 3254 câu thơ. Thêm nữa, mỗi bức tranh vẽ Kiều sẽ có một câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác từ câu thơ Kiều và bức tranh đó hòa thành một bản tam tấu thơ- họa-thơ vô cùng hấp dẫn.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng “thơ sao vẽ vậy” cũng hay nhưng chỉ hợp với những câu tả cảnh, tả người. Còn những câu tả ý, tả tâm trạng, tả tình thì khó vẽ hơn. Vì thế anh chọn cách vẽ ước lệ, “phổ họa” vào Kiều theo phong cách tối giản với chất liệu bột màu trên vải màn bồi giấy dó.

Có thế kể đến một vài bức tranh đáng chú ý như trong bức “Tương tư,” Kiều và Kim Trọng không lúc nào mà không nhớ tới nhau nhưng lại không được gặp mặt: “Sông Tương một dải nông sờ/ Bên trong đầu nọ bên chờ cuối kia.” được họa sĩ vẽ chân dung Kiều và Kim ngược nhau, mỗi nhân vật ở một đầu tranh và có một dòng sông ước lệ bằng 4 nét như 4 sợi dây đàn nguyệt chảy ngang qua khuôn mặt họ.

Hay trong bức tranh Bạc Bà lừa gả Kiều cho cháu là Bạc Hạnh, tên này bán Kiều vào lầu xanh, đến nỗi này thì Nguyễn Du viết những vần thơ đau xót: “Chém cha cái số hoa đào/ Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.”, còn họa sĩ vẽ Kiều đội nón che nửa mặt, một con mắt bay lên nền trời màu hồng đào bích như muốn hỏi sao phận số của những người tài sắc lại truân chuyên thế. Phần thân của Kiều được tạo hình bằng những nét mảnh như sợi dây trói buộc...

 
 
 

Đánh giá về những tác phẩm tranh Truyện Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà phê bình Thụy Kha cho biết: “Họa sĩ Lê Thiết Cương có nhiều cuộc sáng tạo vừa căn cốt truyền thống, song ngôn ngữ tạo hình thì rất thời đại. Và vẽ Kiều lần này là một trong những đỉnh cao trong việc thể hiện ngôn ngữ tạo hình đó. Khi xem 24 bức tranh này, tôi thấy đây không phải là những bức minh họa cho thơ của cụ Nguyễn Du mà là những bức tranh có đời sống riêng, lấy cảm hứng từ thơ mà thôi. Minh họa chỉ tả cảnh, tả thơ còn tranh của Lê Thiết Cương tả ý, tả tình. Mỗi bức là suy tưởng, chiêm nghiệm của bản thân họa sĩ”./.

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang/Báo ảnh Việt Nam

Top