Trường T78 - cầu nối hữu nghị Việt - Lào

Trường T78 - cầu nối hữu nghị Việt - Lào

Năm 2022 là một năm đặc biệt kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962-5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977-18/7/2022), cũng là năm hướng tới kỉ niệm 65 năm thành lập trường Hữu Nghị T78 (1/1/1958 – 1/1/2023). 

Hơn 60 năm qua, từ mái trường này, khoảng 3 vạn lưu học sinh (LHS) Lào đã trưởng thành, trở thành những cán bộ chủ chốt đã và đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Lào anh em. 

Thầy Lê Phú Thắng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau hơn nửa thế kỷ lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm trường vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc. Bác dặn: “Phải mở rộng cửa trường cho học sinh ra tiếp xúc với nhân dân địa phương, lấy nhân dân bảo vệ bí mật cho trường chứ đừng đóng cổng nhốt học sinh trong trường mà gọi là bí mật”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời chiến cũng như thời bình, nhà trường luôn được “Sống trong nghĩa Đảng tình dân”.  

60 năm qua, gần 30.000 LHS Lào đã trưởng thành từ mái trường Hữu nghị T78. Ảnh: Việt Cường/VNP

Người dân Việt Nam thường gọi đây là “Trường Lào”, bởi ngay từ ngày đầu thành lập, Trường được giao nhiệm vụ đào tạo tiếng Việt và văn hóa cho LHS Lào. Hiện nay, nhà trường còn đào tạo trình độ THPT cho học sinh vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên nhà trường nhận đào tạo 20 LHS Lào hệ THPT. Em Chua Sồng Bua Si Nèng Ma nói: “Do dịch Covid-19, năm học bị lùi lại 3 tháng, nhờ sự quan tâm của các thầy cô, chúng em đã nhanh chóng vượt qua mùa dịch và tập trung học tiếng Việt, hơn nữa chúng em còn được đi tham quan Vịnh Hạ Long, đẹp lắm!”.

Những năm trở lại đây, nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy và  hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa cho LHS Lào, nhằm nâng cao kiến thức chung và hiểu biết về văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng giúp nhân dân tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung giữa hai nước.  

Tiếp nối những thành công đạt được từ Đề án Homestay – “Đưa LHS vào thực tế tại nhà dân”, bắt đầu từ năm nay, nhà trường đã tổ chức chương trình Gia đình Việt với lưu học sinh Lào – một hoạt động ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, nhằm thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa người dân, doanh nghiệp Việt Nam với LHS Lào.

 LHS Lào được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa phong phú. Ảnh: Việt Cường/VNP  

Ngoài ra, cứ đến dịp lễ Tết, LHS Lào và học sinh Việt Nam lại cùng nhau  giao lưu, trải nghiệm tham gia “Ngày hội bánh chưng xanh” vào Tết Nguyên Đán, làm bánh trôi, bánh chay vào Tết Hàn thực hay chơi té nước vào Tết Bunpimay… Mới đây, nhà trường còn tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam – Lào đem đến nhiều kiến thức bổ ích cho học sinh, sinh viên.

Được biết, thời gian tới nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành trường hữu nghị quốc tế chất lượng cao, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị cao cả giữa hai Đảng, hai Nhà nước là giữ gìn, vun đắp cho tình đoàn kết Việt – Lào, Lào – Việt Nam ngày càng sâu sắc, bền chặt, xứng đáng với ngôi trường biểu tượng cho tình hữu nghị Việt -Lào./.

 Bài: Báo ảnh Việt Nam- Ảnh: Việt Cường


Top