Trên đồng muối Ninh Thuận
Những ụ muối trắng tinh chờ thương lái đến thu mua, các diêm dân tất bật trên cánh đồng muối rộng lớn bao la dưới thời tiết đầy nắng và gió là những hình ảnh quen thuộc về nghề làm muối thủ công truyền thống có từ hơn trăm năm nay ở Ninh Thuận.Tỉnh Ninh Thuận là nơi có nghề làm muối thủ công lâu năm và hiện là 1 trong 19 tỉnh thành ven biển có diện tích và sản lượng muối lớn nhất cả nước. Trong đó, huyện Ninh Hải và Thuận Nam được xem là cái nôi nghề làm muối của địa phương này với tổng diện tích sản xuất hơn 3.000ha. Một vụ muối thường kéo dài từ 7 – 10 ngày, thu được trung bình khoảng 10 tấn muối/ha, một năm diêm dân làm và thu hoạch muối trong 8 tháng, với tổng sản lượng muối các loại đạt 440.314 tấn/năm. Hiện tại, với giá thu mua muối dao động từ 700 -1.100đ, cùng với việc được hỗ trợ nguồn vốn, hướng dẫn những kỹ thuật làm muối mới và bao tiêu đầu ra, nhiều diêm dân có thu nhập ổn định và yên tâm gắn bó lâu dài với nghề làm muối truyền thống của địa phương.
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng diện tích sản xuất muối lên 3.267 ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm; trong đó, diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 200 ha, sản lượng đạt 150.000 tấn; sản lượng muối chế biến đạt 100.000 tấn. Đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì ổn định diện tích đất sản xuất muối với 3.267 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn/năm.
Cách làm muối thủ công ở Ninh Thuận cũng giống như nhiều nơi khác trong nước, từ các khâu làm ô ruộng, sân nền, dẫn nước biển vào, phơi nắng, canh đo độ mặn Bome đạt tiêu chuẩn cho đến các khâu xả nước dơ, cào xới muối thành đống phơi khô thu hoạch. Ninh Thuận với đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiều nắng gió,khả năng bốc hơi cao, độ ẩm không khí thấp, nước biển có độ mặn cao rất thuận lợi cho nghề làm muối, góp phần rút ngắn thời gian muối kết tinh. Sự vật vả đặc trưng của nghề này là người lao động phải làm việc trên cánh đồng muối mênh mông dưới thời tiết nắng nóng, một số công đoạn nặng nhọc đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe tốt.
Bà Trần Thị Tân (71 tuổi, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) có thâm niên hơn 40 năm trong nghề làm muối thủ công, cho biết, diêm dân tuy vất vả nặng nhọc nhưng đây là một công việc mang lại nguồn thu nhập lâu bền cho người dân, ngoài ra còn góp phần giải quyết việc làm cho địa phương, với trung bình 1ha giải quyết được ít nhất là 2 lao động.
Bà Tân cũng cho biết thêm, để nâng cao chất lượng hạt muối kết tinh cũng như tăng năng suất, kể từ năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ diêm dân vay vốn để đầu tư, chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng phương pháp làm muối kết tinh trên nền bạt mang lại năng suất, chất lượng cao. Với cách làm muối trải bạt, tuy vốn đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng lợi thế là thơi gian phơi muối rút ngắn chỉ còn lại 5 ngày/lần thu hoạch, chất lượng hạt muối làm ra cao hơn do không lẫn các tạp chất, đồng thời tiết kiệm được sức lao động khi áp dụng máy móc vào một số công đoạn trong sản xuất và thu hoạch. Đến nay, bà Tân đã chuyển đổi hoàn toàn diện tích 8ha làm muối trên nền đất trước đây sang phương pháp làm muối trên nền bạt, với sản lượng muối trung bình đạt khoảng 10-15 tấn/ha/vụ thu hoạch.
Bên cạnh bán muối thô, bà Tân còn học tập phương pháp chế biến các sản phẩm từ muối nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh và thành lập cơ sở sản xuất muối sạch Tân Tiến, chuyên sản xuất các sản phẩm sau muối như: Muối tiêu, muối tôm, muối ớt, muối sả … góp phần đa dạng và nâng cao giá trị từ hạt muối thô. Hiện nay, các sản phẩm muối sạch đã có mặt ở các siêu thị tại Ninh Thuận, An Giang, Nha Trang và TP.HCM... từng bước khẳng định chất lượng hạt muối với bao nhiêu tâm huyết, mong muốn mang hạt muối địa phương đi khắp cả nước của bà Tân.
Nhằm thúc đẩy nghề muối phát triển vững, tỉnh Ninh Thuận chú trọng đầu tư đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối; khuyến khích mô hình sản xuất muối theo tổ hợp tác, hợp tác xã; tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất muối, hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ muối; hỗ trợ diêm dân vay vốn để đầu tư chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng phương pháp muối trải bạt nhằm mang lại năng suất, chất lượng cao cho hạt muối của địa phương./.
Bài Sơn Nghĩa - Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam