Tranh ghép vải và hiệu ứng thị giác qua bàn tay họa sĩ Nguyễn Thu Huyền

Tranh ghép vải và hiệu ứng thị giác qua bàn tay họa sĩ Nguyễn Thu Huyền

Không dùng cọ hay màu vẽ, họa sĩ Nguyễn Thu Huyền đã biến những miếng vải với các chất liệu khác nhau thành những tác phẩm nghệ thuật.Tốt nghiệp khoa thiết kế thời trang của Viện đại học Mở, sau đó họa sĩ Nguyễn Thu Huyền học thạc sĩ ở trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ hồi nhỏ Huyền đã thích tranh chất liệu nên là nhiều khi không chỉ từ vải mà từ các chất liệu khác nhau như sỏi, hạt na bưởi thì cô cũng tìm tòi để làm những bức tranh nhỏ nhỏ, xinh xinh tặng cho các bạn.

Họa sĩ Nguyễn Thu Huyền đã làm tranh vải được hơn 10 năm. - Ảnh: Khánh Long

Khi học ngành thiết kế thời trang tiếp xúc được với nhiều màu sắc của vải, vải vụn thừa nhiều nên là họa sĩ Nguyễn Thu Huyền bắt đầu thử nghiệm để làm nên những tác phẩm nhỏ xinh. Năm 2006, cô bắt đầu làm các tác phẩm và đăng trên blog cá nhân. Khi đăng lên được sự ủng hộ của rất nhiều người nên từ những tranh nhỏ như vậy, Huyền nuôi dưỡng niềm đam mê và biến thành những tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ hơn, tinh tế hơn.


Những buổi học làm tranh vải của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền với các học viên nhí. - Ảnh: Khánh Long

Bức tranh đầu tiên họa sĩ Nguyễn Thu Huyền làm cùng với người bạn đại học cùng chung sở thích về trang phục của 54 dân tộc Việt Nam với kích thước 2x1,5m trong vòng 6 tháng và hiện nay bức tranh này vẫn đang được lưu giữ ở bảo tàng phụ nữ Việt Nam.

Triển lãm cá nhân năm 2018 mang tên là “Tôi vẽ giấc mơ” đánh dấu 10 năm làm nghề của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền,  các tác phẩm thể hiện mọi cung bậc cảm xúc của cá nhân cô với kỹ thuật làm và chất vải khác nhau. 24 tranh trong triển lãm được cô làm từ 1 tuần đến 1 tháng, trong vòng 2 năm thì xong.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Huyền cho biết: “Ở Việt Nam cũng có một vài họa sĩ làm về tranh vải, nhưng họ chỉ làm voan, mình muốn có đặc trưng riêng của mình để khi nhìn vào người ta biết là làm từ vải nên mình đã làm các tác phẩm từ vải jean, kaki, cotton… Việc xử lý vải khá đơn giản nhưng mà cách đưa chất riêng vào tranh theo ý tưởng thì mới khó.”.

Vải sau khi giặt, phơi và hồ thành một lớp mỏng sẽ được là để tạo phẳng cho dễ cắt họa tiết. - Ảnh: Khánh Long
Để làm được một tác phẩm tranh vải thì thường họa sĩ Nguyễn Thu Huyền sẽ phác thảo hình bằng chi ra giấy khi có ý tưởng. Sau đó cô sẽ nghĩ sử dụng loại vải gì, chất liệu gì sao cho hợp lý để bức tranh mang hơi thở nghệ thuật.Vải được chọn sẽ được xử lý qua giặt, phơi khô và keo để hồ lại sao cho cắt ra không bị xơ sợi. Rồi cứ từng đưa từng chi tiết vào và viền lại bằng chỉ thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Chủ đề trong tranh vải của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền thường thiên về chủ đề phụ nữ để lột tả ở các góc cạnh khác nhau như tình cảm mẹ con, sự vươn lên của những người phụ nữ dân tộc, nét đẹp của người phụ nữ Hà Nội xưa. Mỗi bức tranh được cô khai thác một khía cạnh của người phụ nữ vừa hiện đại vừa cổ xưa.



Đến nay, họa sĩ Nguyễn Thu Huyền vẫn tiếp tục công việc làm những bức tranh vải với nhiều chủ đề khác nhau nhưng cũng song song với việc đào tạo các học viên nhí yêu thích tranh vải nói riêng và mỹ thuật nói chung tại trung tâm House of Art (Hà Nội).

Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long & Tư liệu


Top