Trải nghiệm nghề làm khèn của người Mông
Cây khèn là một nhạc cụ gắn liền với cuộc sống và truyền thống văn hóa của người dân tộc Mông ở tỉnh Hà Giang. Nghề làm khèn đã được đồng bào dân tộc Mông gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Mới đây, vợ chồng Mua Mí Mình, Thào Thị Chợ, người dân tộc Mông ở xã Lao Và Chải, huyện Yên Ninh Hà Giang…đã trình diễn nghề làm khèn tại Hà Nội từ đó giúp công chúng thủ đô có dịp trải nghiệm nghề làm khèn, một nhạc cụ mang bản sắc dân tộc Việt Nam.
Vợ chồng Mua Mí Mình, Thào Thị Chợ đã gắn bó với nghề làm khèn ở thôn Ngán Chải, xã Lao và Chải, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang từ những ngày còn nhỏ. Hai vợ chồng đã sống bằng nghề làm khèn và bán được rất nhiều khèn cho người yêu thích nhạc cụ này. Những nguyên liệu làm khèn gồm tre, ống trúc… đều có ở vùng rừng núi nên Anh Mua Mí Mình thường vào rừng tìm kiếm nguyên liệu rồi mang về nhà chế tác. Hai vợ chồng cùng làm khèn, mỗi người một công đoạn thì trung bình cứ 3 ngày là hoàn thiện một chiếc khèn. Một năm họ làm được khoảng 300 cái và bán theo đơn đặt hàng của người mua với giá trung bình là 2 triệu đến 3 triệu đồng/1 cái khèn tùy theo kích thước dài, ngắn.
Là người chăm chỉ, chịu khó và luôn học hỏi, Vợ chồng Mua Mí Mình, Thào Thị Chợ đã có thu nhập ổn định từ nghề làm khèn. Từ đó, anh Mua Mí Mình còn hỗ trợ dạy các em thanh niên của của xã Lao và Chải cùng làm khèn. Anh đã tham gia các lớp học truyền dạy kỹ thuật chế tác khèn Mông do Sở Văn hóa Thể Thao Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức. Anh Mua Mí Mình vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa của cây khèn Mông đồng thời truyền lửa cho các thanh niên trong xã Lao và Chải cùng học nghề làm khèn, đưa cây khèn Mông vượt ra khỏi ranh giởi thôn bản đến với khắp Việt Nam và quốc tế.
Mới đây, hai vợ chồng Mua Mí Mình đã trình diễn nghề làm khèn tại thủ đô Hà Nội trong khuôn viên của Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022. Tại đây, Mua Mí Mình thực hiện các công đoạn làm ra một cây khèn Mông và giới thiệu cho du khách về cách làm, cách chơi khèn của người Mông. Thông thường để chế tác ra một cây khèn Mông gồm 1 số công đoạn như sau: Tre và gỗ khi đi rừng lấy nguyên liệu sẽ chọn loại có hình khối, sau đó vót tre hình tròn. Tiến hành bổ đôi ống tre, gỗ để khoét lỗ, lấy vỏ cây đào già vót làm đai thắt khèn. Dùng lưỡi lam khoét lỗ tạo âm thanh cho khèn, lắp các ống trúc với ống bầu để thành chiếc khèn…
Với cách làm thủ công nên từ tạo hình cho khèn và tạo âm thanh cho khèn, người làm khèn phải đẽo, đục rất nhiều lần và tốn khá nhiều công sức mới làm ra được chiếc khèn chuẩn khi thổi có âm vang tốt. Anh Mua Mí Mình cho biết: Làm khèn không làm nhanh được, ngay cả chi tiết đục lỗ tạo âm thanh cho khèn phải làm thật khéo để làm sao chỗ khoét gỗ phải mịn mới tạo được âm thanh bay bổng khi thổi. Trên mỗi ống khèn đều có một lỗ âm và đều được gắn lam đồng. Cây khèn Mông có 6 ống như ống sáo, có độ dài ngắn khác nhau được cắm xuyên qua bầu. Với những kỹ thuật chế tạo công phu, đòi hỏi tính chính xác, sự khéo léo, tỉ mỉ và khả năng cảm nhận âm nhạc của người làm, chiếc Khèn của người Mông khi hoàn thành giống một tác phẩm nghệ thuật. Cây khèn có lẽ vì thế đã trở thành một phần cuộc sống của người dân tộc Mông, họ xuống chợ mang theo khèn, đi tìm vợ cũng mang theo khèn để thổi, rồi các lễ, tết, họ đều chơi khèn. Cũng từ phong tục, tập quán có từ lâu đời nên khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Từ đây tạo thành những giai điệu mang bản sắc của địa phương. Sau khi, Múa Mí Mình làm các công đoạn chế tác thành chiếc khèn, anh cũng biểu diễn nhiều bài khèn của người Mông ngay tại không gian trải nghiệm. Điều này khiến du khách rất thú vị. Âm thanh của tiếng khèn cất lên làm say đắm lòng người. Sản phẩm Khèn Mông trắng loại to do vợ chồng Mua Mí Mình, Thào Thị Chợ chế tác tại không gian trải nghiệm của Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam đã được giải ba Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022./.