Tp. Thủ Đức: động lực thúc đẩy phát triển mới của Tp. Hồ Chí Minh

Tp. Thủ Đức: động lực thúc đẩy phát triển mới của Tp. Hồ Chí Minh

Ngày 01/01/2021, thành phố Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh và của cả nước – được chính thức thành lập. Trong quy hoạch và định hướng phát triển, Thủ Đức sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, hướng đến là một đô thị đa trung tâm vào năm 2040, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh và của cả vùng Đông Nam Bộ.

Những bước chuyển mình về cơ sở hạ tầng

Cũng như nhiều thanh niên ở các tỉnh lẻ, anh Nguyễn Xuân Sơn (quê tỉnh Quảng Ngãi) đã chọn Tp. Hồ Chí Minh làm nơi tiến thân, lập nghiệp. Năm 2007, Sơn rời xa quê nhà lên Tp. Hồ Chí Minh học đại học. Tốt nghiệp ra trường anh chọn Thủ Đức làm quê hương thứ hai để sinh sống từ đó cho đến nay.

Hơn 15 năm gắn bó với Thủ Đức, Sơn đã chứng kiến biết bao sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất này kể từ khi nó còn là một quận vùng ven cho đến khi trở thành “thành phố trong thành phố” đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh  và của cả nước. Trong chặng đường phát triển ấy Sơn ấn tượng nhất là sự thay đổi lớn về bộ mặt đô thị của Thủ Đức.


Sơn tâm sự: “Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Làng Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (phường Linh Trung, Tp. Thủ Đức) thấy nơi đây có rất nhiều khu nhà trọ sập xệ với giá thuê rẻ, dành cho sinh viên, lao động phổ thông. Cả Làng Đại học lúc ấy chỉ có vài dự án, công trình mới đang xây dựng, còn lại đa phần là nhà cấp 4, một vài khu chợ dân sinh tự phát, đường sá nhỏ hẹp. Vậy mà giờ đây, Làng Đại học đã trở thành một trung tâm đào tạo khoa học - công nghệ hàng đầu của Tp. Hồ Chí Minh với đầy đủ các yếu tố hiện đại về mỹ quan đô thị, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu. Thế hệ học sinh, sinh viên hiện tại có lẽ đang rất hài lòng và hạnh phúc khi được học tập trong một môi trường tốt như thế này”.

Thủ Đức là thành phố trẻ sở hữu nhiều thế mạnh đặc thù và nổi trội về vị trí địa lí cũng như nền tảng cơ sở hạ tầng. Theo đó, Thủ Đức là cửa ngõ phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh, tiếp giáp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông đang ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận như: tuyến metro số 1 từ Khu du lịch Suối Tiên đến Bến Thành (Quận 1) sẽ đi vào hoạt động trong tương lai gần; tuyến đường Vành đai 3 (Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch); tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K; xa lộ Hà Nội kết nối vào trung tâm Quận 1, xa lộ Phạm Văn Đồng kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất, quận Bình Thạnh, Gò Vấp, và các tuyến giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn - sông Đồng Nai… Đồng thời, đây còn là khu vực đặc biệt thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức, trong đó cảng Cát Lái (phường Cát Lái) với quy mô 160 ha bãi, 2.040m cầu tàu, hiện nay là cảng lớn và hiện đại nhất Việt Nam.

Khu dân cư Novaland ở Tp. Thủ Đức. Ảnh: Giang Sơn Đông

Khi được hỏi về mong muốn của mình về sự phát triển của thành phố Thủ Đức trong tương lai gần, Sơn thẳng thắn bày tỏ rất mong muốn Thủ Đức sẽ sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động tuyến tàu điện Metro số 1 -  tuyến đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên của Tp. Hồ Chí Minh - để góp phần thay đổi, cải thiện diện mạo hệ thống giao thông thành phố.

Có lẽ điều mong muốn của Sơn cũng là tinh thần chung của nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại Thủ Đức. Họ kì vọng Thủ Đức sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, xứng tầm với tiềm năng, nội lực vốn có của địa phương, hướng đến một đô thị hiện đại, đa trung tâm, và trên hết là một đô thị đáng sống.

Ngày hội kzhinh khí cầu Tp. Hồ Chí Minh lần 2 được diễn ra tại Công viên cầu Thủ Thiêm 2 (Tp. Thủ Đức). Ảnh: Giang Sơn Đông

Hướng đến đô thị đa trung tâm

Với nỗ lực và kì vọng thúc đẩy Tp. Thủ Đức phát triển nhanh, mạnh, bền vững để trở thành động lực phát triển mới của Tp. Hồ Chí Minh và của cả vùng Đông Nam Bộ, tháng 6/2023, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch chung Tp. Thủ Đức thuộc Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2040.

Theo đó, Tp. Thủ Đức được xác định là đô thị loại 1 trực thuộc Tp. Hồ Chí Minh phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao; là trung tâm phía Đông của Tp. Hồ Chí Minh về kinh tế, khoa học kĩ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục-đào tạo. Thủ Đức sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Tp. Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế - xã hội - môi trường… trên cơ sở kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển.

Để làm được điều này, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Tp. Thủ Đức thành một đô thị đa trung tâm, với một trung tâm chính là khu Thủ Thiêm, hai trung tâm khác tại khu vực Trường Thọ và khu vực Long Phước. Trong đó, khu vực Thủ Thiêm sẽ được đầu tư phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế; Trường Thọ sẽ là trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ, một hình mẫu về đô thị tương lai để sống, làm việc và nghỉ ngơi với hạ tầng lí tưởng, quản lí bằng công nghệ cao; còn Long Phước sẽ là trung tâm sinh thái, nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghệ cao…


Trên cơ sở 3 trung tâm chính như trên, để kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới, Tp. Thủ Đức cũng xác định 10 khu vực trọng điểm cần phát triển gồm: khu trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; khu đô thị thương mại, dịch vụ cảng, công nghiệp Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi; khu đô thị thương mại, văn hóa, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ; khu công viên và đô thị Tam Phú; khu đô thị sản xuất tiên tiến, thương mại dịch vụ Linh Trung; khu sản xuất công nghệ cao, dịch vụ và đào tạo Tp. Hồ Chí Minh; khu đô thị và công viên lịch sử - văn hóa dân tộc Long Bình; khu đô thị và công viên khoa học - công nghệ Tp. Hồ Chí Minh tại Long Phước; khu đô thị sinh thái, công nghệ cao Long Phước - Tam Đa; khu vực thuộc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc tập trung xây dựng và phát triển Thủ Đức thành một đô thị đa trung tâm, năng động, hiện đại, lãnh đạo thành phố cũng không quên việc giữ gìn và phát huy các lợi thế về yếu tố lịch sử, văn hóa, du lịch đặc trưng và sẵn có của Thủ Đức. Ví dụ như Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên (phường Tân Phú), Công viên Văn hóa - Lịch sử dân tộc (phường Long Bình), chùa Huê Nghiêm (phường An Khánh), Bảo tàng Áo dài (phường Long Phước), đầm sen Tam Đa (phường Trường Thạnh)… hay Trung tâm thương mại Giga Mall (phường Hiệp Bình Chánh), Công viên Khu đô thị Sala (phường An Lợi Đông, bên trong khu đô thị Sala), Vincom Thủ Đức (phường Bình Thọ)… Đây sẽ là những địa chỉ du lịch, văn hóa hấp dẫn, ấn tượng để Thủ Đức thu hút du khách đến với mình./.

  • Bài: Sơn Nghĩa  
  • Ảnh:  Nguyễn Luân/ Báo ảnh Việt Nam, Giang Sơn Đông, TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa:  Trọng Hạnh

 



Top