Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Tôn vinh giá trị của lễ hội Việt

Trong không khí rộn ràng, háo hức của những ngày đầu xuân mới, các lễ hội truyền thống được tổ chức trên suốt chiều dài dải đất hình chữ S, từ khắp các nẻo đường, người người, nhà nhà lại nô nức đi trẩy hội để tưởng nhớ đến công ơn của những người đã có công với quê hương, đất nước và cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đó chính là nét đẹp văn hóa ngàn năm của lễ hội Việt cần được tôn vinh.

Trong 15 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, phần lớn đều xuất hiện trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam. 
Lễ hội Đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Hàng năm, hàng triệu lượt người con đất Việt hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ để tưởng nhớ công lao tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước. Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn.

Biểu diễn dân ca quan họ tại Lễ hội Cổ Loa Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: TTXVN

Nhằm tôn vinh giá trị và ý nghĩa văn hóa của lễ hội trong việc bảo tồn và phát triển di sản truyền thống Việt Nam, UNESCO còn công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Hội Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội và Nghi lễ và trò chơi kéo co thường có mặt trong các ngày lễ, lễ hội và các sự kiện truyền thống như năm mới, hội đền, hay lễ hội làng xã tập trung ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, và một số nơi ở vùng núi phía Bắc.
Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống, nhiều địa phương đã tổ chức những lễ hội mang hơi thở của cuộc sống mới, hiện đại và có sự tham gia của các quốc gia trên thế giới. 

Lễ Ban sóc triều Nguyễn được tổ chức lại Huế, là chương trình khởi động cho Festival Huế 2024 theo định hướng tổ chức lễ hội bốn mùa. Ảnh: TTXVN
 

Còn tại Quảng Nam, năm vừa qua, Tết Trung thu của Hội An đón nhận nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Danh hiệu này càng khẳng định những giá trị mà Tết Trung thu mang lại trong đời sống người dân, là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Đây cũng là điều cần thiết bởi Hội An đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để tham gia ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Hội đua bò Bảy Núi năm trong lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, còn nhiều lễ hội nổi tiếng trên mọi miền đất nước như Hội Lim của Bắc Ninh, Lễ hội Tràng An của Ninh Bình, Lễ hội hoa Tam giác mạch ở Hà Giang, Lễ Tết Khmer Chol Chnam Thmay ở Sóc Trăng, Lễ Hội Đua Bò Bảy Núi ở An Giang… Mỗi địa phương cũng đang không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị to lớn, độc đáo của lễ hội Việt, tạo sức lan tỏa rộng rãi cộng đồng trong nước và quốc tế./.

  • Bài: Báo ảnh Việt Nam tổng hợp
  • Ảnh: TTXVN
  • Kỹ thuật, đồ họa: Trang Nhung

Top