Tiêu chuẩn HALAL – Tấm visa đưa nông sản Việt bước ra toàn cầu

Tiêu chuẩn HALAL – Tấm visa đưa nông sản Việt bước ra toàn cầu

HALAL, hiểu một cách đơn giản là chứng nhận về thực phẩm, với những điều kiện được nhận định còn khắt khe hơn cả chứng nhận FDA (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào đã đạt được chứng nhận này, hoặc có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, mặc nhiên, sản phẩm có thể đạt tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu, vào các thị trường Châu Âu, Mỹ,… Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần của một thị trường đạt giá trị xuất khẩu hàng nghìn tỷ USD/ năm.


Trở về Việt Nam sau chuyến xúc tiến thương mại tại thị trường Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Dubai vào tháng 02/2020, việc đầu tiên, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vinapharma Group bắt tay vào làm là xây dựng lại toàn bộ tiêu chuẩn cho các dòng sản phẩm mà công ty có kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.  

Giống cần tây “siêu to khổng lồ” có chiều cao khoảng 1m, nặng tới 1,9 – 3 kg/cây,… đạt tiêu chuẩn quốc tế
được trồng thành công tại farm công nghệ cao của Tập đoàn Vinapharma Group. (ảnh: Tư liệu Vinapharma)

 

Theo bà Hằng, tiêu chuẩn Halal là tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới, cao hơn cả tiêu chuẩn FDA của Mỹ. Người Hồi giáo họ đưa ra tiêu chuẩn này để yêu cầu những gì sạch sẽ và tinh túy nhất. Bởi vậy, khi sản phẩm đạt được tiêu chuẩn này, vào được thị trường Trung Đông, sản phẩm mặc nhiên sẽ vào được các thị trường như châu Âu, châu Mỹ và xuất khẩu được toàn cầu.

Theo đó, Halal là tổng thể các tiêu chuẩn về quá trình sản xuất ra một sản phẩm. Cụ thể đó là các tiêu chuẩn từ vùng trồng cho đến nhà máy. Ví dụ với tiêu chuẩn farm, phải đạt các tiêu chuẩn về Global GAP, Organic,… với nhà máy, đạt các chứng nhận GMP, ISO, HACCP,…

Vinapharma hiện đã đạt tiêu chuẩn vùng trồng organic cho giống cần tây “siêu to khổng lồ” và tiêu chuẩn nhà máy cho việc sản xuất tinh chất cần tây Green Beauty dưới dạng cốm, trà rau,... Theo đó, Vinapharma đi theo hướng tập trung vào các dòng sản phẩm rau, quả hòa tan. Bởi đây là dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thói quen tiêu thụ thực phẩm của người Hồi giáo, không thích ăn rau xanh trực tiếp, nhưng lại có nhu cầu muốn nạp những sản phẩm healthy vào cơ thể. Bởi vậy, rau củ hòa tan đang được đánh giá là dòng sản phẩm thông minh, giải quyết được nỗi đau tiêu dùng của người Hồi giáo. 

 


Hiện công nghệ sản xuất dòng sản phẩm này đang là công nghệ độc quyền do công ty đặt hàng các chuyên gia Israel sáng chế. Công ty đang chờ các đơn vị thẩm định theo tiêu chuẩn Halal cho dòng sản phẩm này trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông.

Thị trường thực phẩm Halal (thị trường Hồi giáo) với mức doanh thu hàng năm hàng nghìn tỷ USD và dự kiến tiêu dùng trong tương lai sẽ tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là các nhóm sản phẩm có lợi thế của Việt Nam như trà, thủy sản hay các sản phẩm có nguồn gốc trồng trọt.Tuy nhiên, hiện các sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc, Philippin đang chế ngự thị trường này. Lý do, các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu rõ về thị trường này, đặt biệt về tiêu chuẩn Halal về sản phẩm. 

 


Theo ngài Mahmoud Hassan Nayel, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Ai Cập sẵn sàng hợp tác để nhập khẩu thực phẩm Halal. Tuy nhiên, không có một tiêu chuẩn chung về các thực phẩm Halal ở các nước Hồi giáo. Về cơ bản, họ có những quy định lớn là giống nhau, tuy nhiên, đi vào những chi tiết kỹ thuật thì lại có những điểm khác nhau. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động trong việc nghiên cứu từng thị trường các nước Hồi giáo, để nắm được quy trình, điều kiện, yêu cầu kỹ thuật riêng biệt của mỗi nước. 


 

Chứng nhận Halal là một trong những “giấy thông hành” vào khối thị trường này. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chứng nhận Halal kết hợp nhiều phương diện và nội hàm khác nhau, không chỉ dừng đơn thuần ở tiêu chuẩn chất lượng mà còn có ý nghĩa tín ngưỡng và tôn giáo rất cao. Do đó, để làm được đúng các sản phẩm và đi được vào đúng phân khúc thị trường này, cần phải có sự hiểu biết nhất định về kiến thức, văn hóa cũng như tín ngưỡng. Việc minh bạch hóa thị trường Halal cũng như tiếp cận đúng đối tượng là việc làm cần thiết./.

Sản phẩm cần tây hòa tan của Vinapharma Group. (ảnh: Tư liệu Vinapharma)

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt & Tư liệu


Top