Tiếng chèo làng Khuốc
Theo giới thiệu của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, chúng tôi tìm đến làng Khuốc để tìm hiểu về nghệ thuật Chèo truyền thống. Ngay từ đầu làng đã nghe tiếng hát chèo đã vọng ra, tôi ngạc nhiên hỏi thì bà Cao Hồng Bấc- thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo làng Khuốc cười bảo: “Hát chèo là đặc sản làng Khuốc mà, lúc nào có thời gian từ trẻ con đến người lớn đều nghe và hát chèo cả. Các cô chú mà về vào ngày hội làng thì cả làng tưng bừng trống phách, các gánh chèo thi nhau trổ tài vui lắm.”.
Bà Bấc cho biết, làng Khuốc là một trong bảy nôi chèo nổi tiếng đất Bắc có từ thế kỷ 19. Các thế hệ nghệ nhân đã mang gánh chèo làng đến nhiều vùng miền đất nước trình diễn ở các đình đám, hội hè. Câu lạc bộ Chèo truyền thống làng Khuốc đến nay có 64 thành viên, hàng ngày thắp lửa tập luyện giữ nghề chèo truyền thống của cha ông để lại.
Hôm chúng tôi đến, các diễn viên không chuyên của làng chèo Khuốc đang tập ở không gian nhà thờ tổ nghề chèo của làng. Không gian tập luyện đúng như những gì mà người ta vẫn thường nói về làng Khuốc là nơi lưu giữ chiếu hình thức biểu diễn truyền thống chèo sân đình. Những diễn viên không chuyên ở đây tự hóa trang thành Thị Mầu, Thị Kính mặc trang phục tứ thân rồi trải chiếu ngoài sân cùng những nhạc công ngồi 2 bên mép chiếu đề hòa tấu phục vụ cho những lời ca, điệu múa của diễn viên. Lắng nghe và nhìn cách những thành viên của câu lạc bộ thể hiện chúng tôi có thể thấy rõ được chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ, diễn xướng, tuồng tích.
Theo ông Bùi Văn Ro- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo truyền thống làng Khuốc cho biết: “Chèo làng Khuốc có tới 12 làn điệu độc đáo mà không ở đâu có được như: Ván cờ tiên, Ðường trường thu không, Tình thư hà vị, Hề đơm đó… Cứ hát được 12 làn điệu ấy thì ai cũng có thể hát được tất cả những làn điệu chèo ở các nơi khác. Những làn điệu độc đáo ở chèo Khuốc không thấy ở nơi đâu bởi ca từ và lối hát rất riêng. Có những làn điệu dù giống nhau nhưng cách ngắt nhịp, đánh trống đế của nghệ nhân chèo Khuốc lại hoàn toàn khác bởi học hát đã khó nhưng gõ trống đế lại càng khó hơn”.
Một vở chèo khoảng thời gian khoảng 2 tiếng đồng hồ. Nội dung các vở chèo thường miêu tả cuộc sống bình dị của người nông dân, ca ngợi những phẩm chất cao quý của con người, phê phán những thói hư, tật xấu, chống lại bất công, thể hiện tình yêu thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Ngoài việc trình diễn các vở chèo truyền thống còn có những vở chèo mang hơi thở thời đại với nội dung phản ánh bối cảnh của đất nước cũng như những mối quan hệ xã hội.
Đến nay làng Khuốc vẫn giữ đúng nguyên bản để diễn các vở như: "Từ Thức gặp tiên, "Trương Viên", "Lưu Bình-Dương Lễ, "Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân", "Tống Chân-Cúc Hoa" thường vẫn có đủ hệ thống nhân vật Sinh, Đào, Hề, Lão, Mụ. Trong một vở chèo, các diễn viên sẽ nhập vai diễn để thể hiện nội dung thông điệp muốn đưa đến khán giả. Khi diễn chèo đòi hỏi diễn viên phải thể hiện đủ các kỹ năng hát, múa, diễn trên nền nhạc do các nhạc công hòa tấu bằng các nhạc cụ như trống, mõ, sáo, nhị, tam thập lục, líu, thanh la…tạo hiệu ứng lan tỏa của câu hát, lời hát.
Giờ đây về làng Khuốc, 4 thôn Khuốc Bắc, Khuốc Tây, Khuốc Ðông, Khuốc Nam đều có câu lạc bộ hát chèo quy tụ nhiều thế hệ tham gia sinh hoạt. Vào những tháng hè hay ngày cuối tuần, các nghệ nhân thành danh của chiếng chèo Khuốc vẫn bền bỉ truyền dạy các kỹ năng cơ bản của nghệ thuật hát chèo truyền thống cho những đứa trẻ từ 6 tuổi đến 15 tuổi.
Em Phạm Thị Hằng (14 tuổi): “Từ hồi 5 tuổi được nghe ông nội và bố hát nên em yêu chèo luôn bởi làn điệu nghe rất truyền cảm. Em theo học được các bác truyền dạy các làn điệu chèo cổ và em mong rằng thế hệ trẻ chúng em có thể đưa chèo làng Khuốc vươn xa hơn.”./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/ Báo ảnh Việt Nam