Tiến sĩ Khuất Thu Hồng với sứ mệnh hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội
Bằng những nghiên cứu độc lập được các cơ quan xây dựng luật pháp tham khảo khi xây dựng và cải thiện các chính sách, cùng những bộ công cụ hướng dẫn các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) mà đứng đầu là Tiến sỹ (TS) Khuất Thu Hồng, đang thực hiện sứ mệnh đó là góp phần “Đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng, nơi mà mà tiếng nói mọi người được lắng nghe, công lý xã hội được thực thi, đa dạng xã hội được cổ vũ và bình đẳng cho tất cả mọi người”.
Kể từ ngày thành lập năm 2002, ISDS đã triển khai nhiều nghiên cứu về các nhóm yếu thế trong xã hội. Bằng cách đó, ISDS cùng các cơ quan nghiên cứu khác đã hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam cải thiện và xây dựng các chính sách xã hội dựa trên bằng chứng, chú ý đến tính dễ bị tổn thương của các nhóm xã hội khác nhau và đảm bảo tính bao trùm. ISDS không chỉ thực hiện các nghiên cứu xã hội vì mục đích khoa học mà còn tích cực sử dụng các kết quả nghiên cứu để phục vụ cho mục tiêu phát triển cộng đồng và nâng cao nhận thức xã hội.
Năm 2006, Luật Phòng/chống HIV/AIDS được ban hành, lần đầu tiên khẳng định người nhiễm HIV phải được đối xử bình đẳng, nghiêm cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử. Không chỉ dừng ở đó, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đổi mới chính sách để hỗ trợ người nhiễm HIV. Theo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi 2017, những người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế được miễn phí tất cả các dịch vụ y tế quan trọng như điều trị bằng thuốc kháng vi rút, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội…
Khung pháp luật và chính sách về người khuyết tật – một nhóm dễ bị tổn thương khác, cũng có những thay đổi tiến bộ. Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng nghiêm cấm các hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật và có nhiều quy định pháp lý tạo điều kiện bình đẳng để người khuyết tật tham gia lao động, cống hiến, đóng góp cho xã hội…
Đây là những tín hiệu vui không chỉ cho các nhóm yếu thế mà còn cả cho những người làm nghiên cứu và công tác xã hội như TS. Hồng và các đồng nghiệp tại ISDS. “Nhưng vui hơn và cũng là động lực cho tôi và các cộng sự khi kết quả các nghiên cứu của ISDS được tham khảo trong quá trình xây dựng luật,” bà Hồng chia sẻ.
TS. Hồng và các cộng sự đã xây dựng một loạt các bộ công cụ hướng dẫn thay đổi thái độ và hành vi. Các bộ công cụ của ISDS đã được các cơ quan Đảng, Chính phủ và các tổ chức xã hội sử dụng rộng rãi phục vụ cho công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân đối với các nhóm yếu thế.
Cụ thể trong năm 2004, sau nghiên cứu về thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người sống chung với HIV, ISDS đã xây dựng bộ công cụ “hướng dẫn hoạt động tìm hiểu và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
Trong những năm tiếp theo, từ các nghiên cứu thực tế của mình, ISDS đã cho ra đời các bộ công cụ để hỗ trợ thay đổi nhận thức và giảm kỳ thị đối với các nhóm yếu thế khác như người tiêm chích ma túy, người bán dâm, cộng đồng LGBT và sau này là bộ công cụ để thay đổi nhận thức về người khuyết tật. Đây là những công cụ thực sự hữu ích vì chúng hướng dẫn những thay đổi cụ thể trong suy nghĩ và hành vi của cộng đồng những người yếu thế, chuyển từ mong muốn thiện chí trong suy nghĩ thành hành động tích cực trong thực tế. Những hoạt động của TS. Hồng và các cộng sự tại ISDS đã tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội Việt Nam về các nhóm yếu thế.
“Đối với những người sống chung với HIV, nếu chúng ta kỳ thị họ, thì rất nhiều hành động họ phải thực hiện trong bí mật. Vì vậy các biện pháp an toàn có thể không được thực hiện đầy đủ. Những người thuộc cộng đồng LGBT cũng vậy, nếu xã hội kỳ thị, họ sẽ không được tiếp cận với các cơ hội học tập, làm việc một cách bình đẳng, luôn sống trong mặc cảm, không muốn vươn lên.Vô hình chung, xã hội đã không tận dụng được tài năng và sự đóng góp của họ,” TS. Hồng nhấn mạnh.
Theo TS. Hồng, thực tế trong một xã hội luôn tồn tại các nhóm khác nhau. Và một xã hội tốt là một xã hội sẽ luôn luôn phấn đấu để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng cho các nhóm. Và chừng nào, một xã hội còn tồn tại sự bất bình đẳng thì xã hội đó chưa được gọi là văn minh hay phát triển.
Nhìn xa hơn, câu chuyện về các nhóm yếu thế là câu chuyện của tất cả các cá nhân trong xã hội. Thái độ và hành vi của mọi người đối với nhóm này nói lên sự văn minh của một xã hội. Ai cũng muốn con cái của mình sau này được sống ở một xã hội văn minh, tiến bộ, nơi mà ở đó, mọi người được đối xử bình đẳng, thấu hiểu, thông cảm, giúp đỡ và yêu thương nhau. Nếu muốn vậy, thì ngay bây giờ, mỗi cá nhân cần phải hành động tích cực và mạnh mẽ hơn nữa, góp sức mình để cùng Chính phủ thực hiện cam kết - Việt Nam không bỏ lại ai phía sau./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Khánh Long &Tư liệu