Thịt xông khói Cao Bằng
Thịt xông khói Cao Bằng là một món ăn truyền thống lâu đời của người dân nơi đây, nổi tiếng với hương vị độc đáo và đậm đà, mang đậm bản sắc của núi rừng. Món ăn này đã trở thành một đặc sản nức tiếng, thu hút du khách và được nhiều người yêu thích.
Cũng như các loại thực phẩm để dùng lâu ngày của các dân tộc vùng sâu, vùng xa khác. Thịt hun khói Cao Bằng được tẩm ướp các loại gia vị địa phương với mục đích có thể giữ thực phẩm được lâu ngày. Có thể từ thời xa xưa, trong điều kiện sống, săn bắn và chăn nuôi khó khăn, người địa phương thường tìm cách lưu trữ thực phẩm lâu ngày phòng khi thời tiết xấu hoặc thực phẩm thiếu. Có thể nói nó giống như các món thịt trâu gác bếp, cá hồi hun khói hoặc những món khác trên toàn thế giới.
Thịt được làm từ thịt lợn ba chỉ hoặc nạc vai, chọn lọc kỹ lưỡng từ những con lợn, con bò được chăn thả tự nhiên trên núi cao. Sau đó thịt được tẩm ướp gia vị theo công thức bí truyền, bao gồm muối, tiêu, ớt, thảo quả,... tạo nên hương vị đặc trưng.
Công đoạn rất quan trọng là xông khói bằng củi nghiến trên bếp than hồng, tạo nên màu vàng nâu đẹp mắt và hương thơm nồng nàn. Thịt xông khói khi hoàn thiện có độ dai mềm vừa phải, béo ngậy nhưng không ngán, vị mặn ngọt hài hòa, ăn kèm với cơm nóng hoặc xôi ngũ sắc rất ngon.
Thịt xông khói Cao Bằng cung cấp nguồn protein dồi dào cho người sử dụng, bổ sung năng lượng cho cơ thể trong những ngày giá rét. Trong thịt cũng chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch và tốt cho hệ tiêu hóa.
Thịt lợn xông khói có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như: chiên, xào, nướng, ăn kèm với cơm, xôi, bánh mì. Ngoài ra còn dùng để nấu canh, kho, rim, làm salad, gỏi... Còn thịt trâu, thịt bò gác bếp có thể làm món nhậu rất thú vị.
Ngày nay, thịt xông khói đã trở thành điểm nhấn đặc sắc cho văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng. Từ một món ăn giản dị trên gác bếp, món đặc sản này đã và đang được nhiều người biết đến, trở thành mặt hàng được thị trường đón nhận, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình gắn bó lâu năm với nghề làm ẩm thực dân tộc./.
Bài, ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam