“Theo dấu tằm tơ” Việt Nam

“Theo dấu tằm tơ” Việt Nam

Trải nghiệm về trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và được lắng nghe câu chuyện về dòng chảy văn hóa của lụa Việt hàng nghìn năm tuổi là những hoạt động ấn tượng, đáng nhớ của các nữ đại sứ nước ngoài, các trưởng phái đoàn quốc tế tại Việt Nam, cũng như phu nhân đại sứ các nước, nữ cán bộ Bộ Ngoại giao trong sự kiện “Theo dấu tằm tơ”.

Các nữ đại sứ nước ngoài, các trưởng phái đoàn quốc tế tại Việt Nam, phu nhân đại sứ các nước, nữ cán bộ Bộ Ngoại giao tham gia sự kiện “Theo dấu tằm tơ”.

  “Nuôi tằm dệt vải đã xuất hiện, tồn tại và phát triển trong dân gian Việt Nam từ hàng ngàn năm lịch sử. Hiện nay, Việt Nam nằm trong Top 4 các nước có nghề dâu tằm đang phát triển mạnh mẽ. Trồng dâu nuôi tằm đang là sinh kế của hơn 100.000 nông dân Việt Nam, trong đó đa số là phụ nữ”, ông Lê Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (VIETSERI) giới thiệu về nghề trồng dâu nuôi tằm Việt Nam tới các đại biểu tham dự.

Không chỉ được lắng nghe câu chuyện về lịch sử và sự phát triển của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, các khách mời còn được trực tiếp trải nghiệm mô hình trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa ngay tại sự kiện.  

Các nhà ngoại giao nữ, các phu nhân đại sứ đã có một ngày thú vị khi tận mắt chứng kiến những nong tằm đang ăn rỗi, những con tằm đang nhả tơ đóng kén ngay bên bờ ruộng.

Ngồi tại các khung cửu dệt lụa, không phải là hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt, mà thay vào đó là các nữ đại sứ và phu nhân đại sứ các nước đang được các nghệ nhân tại VIETSERI hướng dẫn cách sử dụng máy dệt thoi, cách quay tơ bằng tay như những người phụ nữ Việt xưa. 


Các nhà ngoại giao nữ, các phu nhân đại sứ đã rất bất ngờ và thú vị khi được ra giữa ruộng dâu xanh mướt, hái trái dâu chín mọng và đặc biệt là được tận mắt chứng kiến những nong tằm đang ăn rỗi, những con tằm nhả tơ đóng kén ngay bên bờ ruộng.

Cùng với những trải nghiệm thực tế nghề tằm tơ canh cửi, các nữ đại sứ, phu nhân đại sứ còn được tìm hiểu dòng chảy văn hóa trong lụa Việt từ khi dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam cùng những câu chuyện văn hoá đầy tính nhân văn gắn liền với nghề dệt lụa qua phần giới thiệu của bà Văn Thị Hằng, nhà sáng lập DeSilk.

Theo đó, lụa cũng được liên kết với các phong trào của phụ nữ, như phong trào bình đẳng giới bắt đầu phát triển ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Việc sản xuất tơ lụa đã trở thành một biểu tượng trao quyền cho phụ nữ. Và bởi vậy, lụa cũng mang một sứ mệnh đặc biệt khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như lời giới thiệu của người sáng lập DeSilk. “Chúng tôi muốn thế giới biết đến lụa Việt Nam không chỉ tốt mà còn rất đẹp, tinh xảo nhờ thiết kế đặc biệt và quy trình quản lý khắt khe”, bà Văn Thị Hằng khẳng định. 

Bà Văn Thị Hằng – nhà sáng lập Desilk chia sẻ về lịch sử và những câu chuyện văn hóa của lụa Việt.

Sự khéo léo trên những đôi bàn tay của những người thợ thủ công Việt Nam được thể hiện tối đa trên những sản phẩm của Desilk từ áo dài, cho đến những chiếc khăn duyên dáng dành cho các quý cô thành đạt hay chỉ là những chiếc nơ nhỏ xinh gắn trên túi xách. Từ thế kỷ 17-18, sự khéo léo của những người thợ thủ công Việt Nam đã được các nước phương Tây đánh giá vào hàng bậc nhất thế giới. Đây chính là lợi thế đặc biệt của nghề thủ công Việt Nam mà ít nơi nào có được.


Tham dự chương trình trong bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam chia sẻ: "Khi tôi đến Việt Nam cách đây 5 năm, tôi đã biết về vẻ đẹp tuyệt vời của bộ áo dài. Theo truyền thống, áo dài được làm từ lụa, và lụa đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và kinh tế của Việt Nam”. Theo đó, trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam cũng hy vọng rằng ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam sẽ tiếp tục mở đường cho bình đẳng giới và thịnh vượng.

Sự kiện “Theo dấu tằm tơ” không chỉ lan tỏa tình yêu tơ lụa Việt mà còn là cơ hội lớn nhằm quảng bá ngành dâu tằm và dệt lụa của Việt Nam ra thế giới./. 

Các khách mời tham gia chụp ảnh lưu niệm trước khi kết thúc sự kiện.

 Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam


Top