Tháp nước Hàng Đậu: kiến trúc cổ kính giữa lòng Thủ đô

Tháp nước Hàng Đậu: kiến trúc cổ kính giữa lòng Thủ đô


Có tuổi đời gần 130 năm, Tháp nước Hàng Đậu được coi là một di tích kiến trúc cổ của Hà Nội. Sau nhiều năm gần như không được sử dụng, tháp nước này đang được chỉnh trang, cải tạo và mở cửa cho khách tham quan.

Tháp nước Hàng Đậu, còn có nhiều tên gọi khác là: két nước Hàng Đậu, nhà tròn Quán Thánh và Bốt Hàng Đậu nằm ở vùng giáp ranh giữa hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Cùng với tháp nước Đồn Thủy thì tháp nước này đóng vai trò là nơi cấp nước cho thành phố những năm Pháp thuộc, sau này trở thành một di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội. Tháp được xây bằng đá hộc, hình trụ tròn, đường kính 19 m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa có cột thu lôi, được xem là công trình văn minh quan trọng nhất lúc bấy giờ.

Du khách tìm hiểu thông tin về tháp nước Hàng Đậu.

Vị trí tháp ở giữa tâm điểm của 6 đường phố nhộn nhịp người qua lại: Hàng Cót, Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, Hàng Giấy, Quán Thánh và Hàng Than. Ở đỉnh chính giữa hình thành một quảng trường nhỏ. Ngoài ra còn tiếp giáp với một vườn hoa có tên gọi Vạn Xuân. Đây là công trình kiến trúc đã trải qua 3 thế kỷ (thế kỷ XIX, XX, XXI).

Với cấu trúc hình trụ là các bức tường vòm, diện tích bên trong khoảng 250m2 với nhiều cửa vòm thông nhau bằng đường dẫn tròn men theo vách tường của tháp nước. Đến tham quan tháp nước Hàng Đậu, du khách sẽ di chuyển theo hướng đi vòng tròn, và mỗi lần đi qua ô vòm của tháp, những không gian nghệ thuật độc đáo, ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị lại được mở ra.

Du khách chiêm ngưỡng kiến trúc bên trong tháp nước Hàng Đậu.

Lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm, và nước biển, kết hợp với hệ thống âm thanh tạo nên hiệu ứng nước chảy tự nhiên, sống động, các tác giả đã tạo nên sự kỳ bí cho những khoảng không gian sắp đặt tiếp theo, thu hút sự tò mò, gợi lên những cảm giác mới lạ cho du khách.

Những tác phẩm nghệ thuật với mảng màu loang lổ được làm từ nylon tái chế, được sắp xếp sống động và đầy bay bổng trong lòng tháp phản ánh vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở đô thị hiện nay. Với diện mạo mới này, công chúng thủ đô không những được khám phá cấu trúc bên trong thác nước mà còn cảm nhận được những thông điệp ý nghĩa về lịch sử cũng như môi trường hiện tại.

 

Hiện tại, tháp nước đã không còn công năng chứa nước và cấp nước cho người dân. Song tháp nước trong thời hiện đại lại có một vai trò mới. Tháp nước tồn tại như một vật chứng hào hùng, một chứng tích của thời Pháp thuộc. Tháp sẽ mãi sống trong lòng người dân Hà Nội như ký ức về một thời đã qua./.

  • Bài: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam
  • Ảnh: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam

 


Top