Tái hiện nghệ thuật Đạo Mẫu trong tranh sơn mài

Tái hiện nghệ thuật Đạo Mẫu trong tranh sơn mài

20 tác phẩm tranh sơn mài khổ lớn về chủ đề Đạo mẫu được họa sĩ Trần Tuấn Long tập hợp và triển lãm lấy tên “Vân Du” đã giúp công chúng khám phá những nét văn hóa độc đáo của nghệ thuật hầu đồng tại Việt Nam dưới góc nhìn hội họa.

Một góc không gian triển lãm Vân Du.

Trần Tuấn Long là một họa sĩ đặc biệt, đặc biệt trong tài năng của anh chính là những bức tranh vẽ về lễ hầu đồng. Anh đã có 25 năm sáng tác chủ đề này. Xem tranh Tuấn Long vẽ về lễ hầu đồng, người xem cảm giác như mình đang ở trong chính lễ hầu đồng đó, phong cảnh, chân dung, nghi lễ, sắc thái con người anh vẽ thật mà ảo, ảo mà thật. Chính điều này tạo nên cảm xúc phiêu du cho người trải nghiệm. “Vân Du” là lời hát có trong các giá hầu đồng, Vân Du cũng có nghĩa là đi mây là hình ảnh các quan, chầu bà, các cô, các cậu nhập vào thân xác người hầu đồng để thăng hoa cùng lời hát, điệu múa, âm nhạc. Các bức tranh trong “Vân Du” lột tả một số nghi lễ, sắc thái các giá chầu trong lễ hầu đồng và như kéo người xem hòa nhập vào thế giới của tâm linh trong không gian đền, phủ thiêng liêng.


Họa sĩ Trần Tuấn Long chia sẻ: Nghi lễ Hầu Đồng là một nét văn hóa của Đạo Mẫu chỉ có ở Việt Nam, cả ngàn năm trước cho đến giờ, đều khiến người Việt rung động tinh thần không sao tả nổi. Để giải thích hết về Đạo mẫu hay nghi lễ Hầu đồng vẫn sẽ là câu hỏi khó nêu lời đáp. Mà riêng với mỗi cá nhân, chỉ có thể tự giải thích cho chính bản thân mỗi người, khi có cơ hội trực cảm thưởng thức qua thực hành trong đạo Mẫu hoặc qua nghệ thuật hình ảnh động được ghi lại chọn lọc từ triển lãm tranh “Vân Du”.

Bộ sưu tập Vân Du lần này có  cả tranh phong cảnh và tranh chân dung con người. Có những bức vẽ người nhập đồng, cũng có những bức vẽ cảnh đền, điện, có bức vẽ các giá hầu ( Chầu đệ nhị thượng ngàn, chầu lục cung nương, chầu lục chấm đồng..) qua nét vẽ của họa sĩ Trần Tuấn Long đều đẹp một cách chân thực.


3 bức tranh phong cảnh: sáng Phủ Tây Hồ, chiều Phủ Tây Hồ và miếu Vua Bà được họa sĩ vẽ tại lễ hầu đồng tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Miếu Vua Bà (Quảng Ninh). Hình ảnh lột tả rõ nét nhất của khung cảnh nơi đây chính là hình ảnh cây. Cây là một trong những dấu tích lịch sử lâu đời của hai địa danh này. Tại Phủ Tây Hồ là cây đa với đặc trưng rễ cắm xuống nước Hồ Tây, chỉ nhìn cây là nhớ đến phủ. Còn cây Quếch ở miếu Vua Bà thì có lịch sử 900 năm. Bằng hình tượng này, tranh phong cảnh về Phủ Tây Hồ và miếu Vua Bà hiện lên rất huyền ảo nhưng rất linh thiêng khi được sử dụng chất liệu sơn ta với hai màu chủ đạo là màu trắng và màu đỏ.

Tác phẩm "Chiều phủ Tây Hồ".
Tác phẩm: "Miếu Vua Bà" (Quảng Yên).

Ngoài tranh phong cảnh giới thiệu địa danh nơi diễn ra nghi lễ hầu đồng, bộ sưu tập Vân Du còn gồm nhiều bức tranh tập trung vào khắc họa chân dung con người trong trang phục, nghi lễ hầu đồng. Đó là hình ảnh quan lớn đệ nhất, ông quan Hoàng Bảy, quan Hoàng Mười trong trang phục quyền lực, uy nghi.

Các nghi lễ chầu (Chầu lục chấm đồng, Chầu Đệ nhị thượng ngàn, Chầu lục cung nương) được tái hiện với gam màu đỏ rực, màu của đèn, nến chính là ánh sáng đặc trưng của Lễ hầu đồng kèm theo khói nhang nghi ngút, mờ ảo.


Nhận định về mảng hội họa sơn mài vẽ Đạo Mẫu của Trần Tuấn Long, có các ý kiến nhiều chiều từ khán giả đủ mọi cung bậc, tầng lớp. Nhưng đánh giá thành công nhất là “hệ tác phẩm” này tập hợp tựu trung được thực sự “đương đại nét” - ở ba điểm. Đó là sự dân tộc tính -dân tộc hóa chiếu gương lại những tia sáng lung linh của một tín ngưỡng duy nhất của dân tộc ta bằng chất liệu Sơn Ta đặc trưng. Hình khối, bố cục từng bức vừa có sự khoa học, hiện đại của nghệ thuật phương Tây, vừa giao duyên được với chi tiết chiết xuất từ tranh thờ cổ truyền. Tập hợp thể tạng, thần thái, phông nền tạo hình đều hiện ra đậm đà bản sắc, vừa sang trọng, vừa hướng tới nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đông đảo nhân dân ta…



Mong muốn của họa sĩ Trần Tuấn Long là anh dùng nghệ thuật hội họa để lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa Hầu Đồng tại Việt Nam. Những chi tiết, phong tục tín ngưỡng thờ Mẫu là tổng hòa tất cả yếu tố nghệ thuật trong một canh hầu, có nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, múa, âm nhạc, thời trang.

Bài: Bích Vân,  Ảnh: Khánh Long


Top